16/10/2012 07:27 GMT+7

Năm 2013 xây cầu Vàm Cống

H.T.DŨNG - C.QUỐC -NGỌC ẨN
H.T.DŨNG - C.QUỐC -NGỌC ẨN

TT - Một dự án giao thông mới tại đồng bằng sông Cửu Long đang được chuẩn bị triển khai. Theo dự án này, hai bến phà quan trọng trong khu vực là Vàm Cống và Cao Lãnh sẽ được thay thế bằng hai cây cầu hiện đại.

o0HEWiuo.jpgPhóng to

Đường kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long đoạn từ Mỹ An (Đồng Tháp) đến Cần Thơ dài 28km, trong đó xây dựng cầu Cao Lãnh qua sông Tiền, cầu Vàm Cống qua sông Hậu về TP Cần Thơ - Đồ họa: V.CƯỜNG

Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) vừa trình Bộ Giao thông vận tải dự án đường kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong có tổng chiều dài 79km, chia làm sáu dự án thành phần, với tổng vốn 938 triệu usd. Trong đó có dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) kết nối về TP Cần Thơ.

Xây 2 cầu có quy mô lớn

Dự án tuyến đường từ thị trấn Mỹ An (Đồng Tháp) kết nối về TP Cần Thơ gồm đường giao thông và các cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp), Vàm Cống (Đồng Tháp - Cần Thơ), mặt đường rộng 20,6m (bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ lưu thông). Đến nay đơn vị tư vấn thiết kế của Úc (đơn vị thiết kế cầu Mỹ Thuận) đã hoàn tất thiết kế cầu Cao Lãnh có kiểu dáng như cầu Mỹ Thuận, riêng cầu Vàm Cống đang thiết kế có quy mô lớn như cầu Cần Thơ.

Theo CIPM Cửu Long, dự án đường kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn từ Chơn Thành (Bình Phước) về Rạch Giá (Kiên Giang). Theo đó, tuyến đường này đi qua Chơn Thành - Đức Hòa (Long An), Mỹ An (Đồng Tháp) qua cầu Cao Lãnh (vượt sông Tiền), cầu Vàm Cống (vượt sông Hậu) về TP Cần Thơ và sau đó kết nối vào tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Việc xây dựng tuyến đường này sẽ nối thông với quốc lộ 80, quốc lộ 30, rút ngắn cự ly đi lại giữa Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp với Vĩnh Long và Tiền Giang.

Ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc CIPM Cửu Long - cho biết việc triển khai dự án là sự tiếp nối với dự án nhánh N2 đường Hồ Chí Minh nhằm hình thành một trục đường dọc xuyên quốc gia thứ hai chạy song song với quốc lộ 1 hiện hữu và có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác các tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đến nay, CIPM Cửu Long đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật dự án thành phần 1 của dự án là cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, cách bến phà Cao Lãnh khoảng 800m về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận (Tiền Giang và Vĩnh Long) 35km. Dự án có tổng chiều dài 7,8km gồm cầu và đường; trong đó cầu Cao Lãnh chính dài 660m và cầu dẫn dài 680m, mặt cầu rộng 24,5m cho sáu làn xe lưu thông, tĩnh không thông thuyền 37,5m.

Riêng dự án cầu Vàm Cống dự kiến khởi công vào tháng 7-2013. Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 là 5.985 tỉ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn đối ứng VN.

Đánh thức tiềm năng Đồng Tháp Mười

TS Nguyễn Văn Sánh - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long - cho rằng việc triển khai dự án trên sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ mà còn nối kết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại với nhau, tạo động lực cho liên kết vùng. Ngoài ra khi dự án này hoàn thành, hệ thống sân bay Cần Thơ, cảng Cái Cui sẽ được phát huy, đặc biệt là tiềm năng của Đồng Tháp Mười sẽ được dự án này “đánh thức” và phát triển.

Theo TS Sánh, dù những năm gần đây hệ thống giao thông đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư các dự án lớn như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhưng trở ngại lớn nhất để phát triển đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là thiếu các trục giao thông ngang. Do đó cần sớm hình thành trục chính như dự án đường kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong. Với việc phát triển tuyến đường này, không chỉ những địa phương dự án đi qua được hưởng lợi mà các tỉnh trong vùng đều có lợi.

Ông Nguyễn Văn Dương - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho rằng dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long phá thế độc đạo của quốc lộ 1, tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho tỉnh Đồng Tháp, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà còn cho cả TP.HCM.

Theo ông Dương, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho tỉnh làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng của dự án trên. Đến nay việc giải phóng mặt bằng đang được triển khai thuận lợi do khung chính sách đầy đủ và có sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án.

Hiện tỉnh Đồng Tháp đã chi 112 tỉ đồng cho việc giải phóng mặt bằng để sẵn sàng cho việc khởi công dự án vào cuối năm nay.

H.T.DŨNG - C.QUỐC -NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên