08/01/2014 07:30 GMT+7

Myanmar: Xả rác có thể bị phạt đến... 40.000 USD

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - Cách đây nhiều năm, trong nỗ lực xây dựng một môi trường sạch đẹp tại đất nước Myanmar, chính quyền Myanmar đã xác định định hướng “xanh và không rác”.

u9vnh6c9.jpgPhóng to
Công nhân vệ sinh trên đường U Chit Muang ở Yangon. Công việc của họ khá nhàn hạ bởi không có rác xả bừa bãi - Ảnh: Huy Đăng

Đặt chân đến Yangon, thành phố sầm uất nhất của Myanmar, sẽ dễ dàng liên tưởng với khu quận 5 của TP.HCM hoặc Đống Đa của Hà Nội, những khu vực nhuốm màu thời gian. Những tòa nhà, khu chung cư trông rất cũ kỹ, đường phố thì đông đúc và nhan nhản quán xá, hàng rong trên vỉa hè.

Gắn camera

Không chỉ xử lý rác, Myanmar và điển hình là Yangon nỗ lực làm sạch môi trường của họ trong mọi phương diện. Trên mọi con đường của Yangon, cây xanh luôn tỏa bóng rợp trời. Trong khi đó, người dân ở Yangon chỉ có thể sử dụng xe hơi - đều là xe nhập, có tuổi thọ lâu đời nhưng nhờ chạy bằng gas nên không gây khói bụi.

Nhưng lạ thay, trên các con đường đông đúc xe hơi ấy người ta gần như không “ngửi thấy” khói bụi, còn bên dưới các hàng rong vỉa hè là những con đường vô cùng sạch sẽ. Đó chính là hình ảnh gây ấn tượng nhất với người nước ngoài đặt chân đến Yangon và thể hiện ở khắp mọi nơi chứ không riêng gì khu vực trung tâm của Yangon.

Trên các con đường và trong mọi ngôi chợ, những khu vực bình dân tại Yangon, hầu như không thấy bóng dáng của rác thải dù chỉ là vài vỏ lon nước, bao nilông... Đó chính là thành quả của sự quản lý nghiêm ngặt và tuyên truyền nhiều năm qua.

Ông Win Myint, cư dân Yangon đang giảng dạy tại Trường quốc tế Việt - Úc ở TP.HCM, kể lại khi mới đến Việt Nam, ông rất ngạc nhiên khi chứng kiến người dân thoải mái vứt rác ra đường mà không sợ bị... phạt tiền. Ở Myanmar, xả rác bị bắt quả tang sẽ bị nhẹ nhất là đôi lời cảnh cáo và nặng hơn là đóng tiền phạt.

Chịu trách nhiệm việc này là nhân viên Sở Kiểm soát ô nhiễm và vệ sinh (PCCD) thuộc tòa thị chính (YCDC) mà người dân thường gọi là giám sát viên. Nhưng thật ra hằng ngày người ta hiếm thấy các giám sát viên mặc đồng phục xanh - đen này, trừ phi có người xả rác nơi công cộng... Họ thường lập tức xuất hiện với bằng chứng là tấm ảnh chụp được không thể chối cãi.

Sau khi đã thu thập đầy đủ thông tin định danh, các nhân viên của YCDC sẽ gọi điện về cho văn phòng phụ trách giao thông để tra cứu “hồ sơ xả rác” trong quá khứ của đối tượng. Mức phạt sẽ gia tăng tùy theo số lần tái phạm trong quá khứ. Ông Win Myint cho biết mức phạt nhẹ nhất vào khoảng 10.000-20.000 kyats (tương đương 10-20 USD). Thậm chí một người bạn của ông từng bị phạt đến 40 triệu kyats (khoảng 40.000 USD) vì xả rác quá nhiều lần.

Tất nhiên, không phải lúc nào các giám sát viên cũng có thể dõi theo hành vi xả rác của người dân. Trên nhiều con đường tại Yangon, chủ yếu ở các khu vực đông đúc dân cư đều có gắn camera. Nhiều người đã phải nhận giấy báo phạt nguội tại nhà vì hành vi xả rác trước đó của mình.

oQpkyC6I.jpgPhóng to
Giám sát viên của YCDC - Ảnh: Huy Đăng

Môi trường là trên hết

Ngăn ngừa tối đa việc xả rác, nhưng cũng có một số hành vi ảnh hưởng xấu đến môi trường mà nhà chức trách tại Myanmar không thể cấm cản được, đó là việc phun bã trầu bừa bãi. Thực tế các giám sát viên cũng đành ngó lơ khi chứng kiến cảnh người dân “nhuộm đỏ” những con đường đẹp đẽ vì đó là truyền thống ăn trầu lâu nay.

Thay vì xử phạt người dân, tòa thị chính của Yangon phải cho làm sạch các con đường bằng cách điều động xe bồn đi rửa đường hằng đêm. Vào tầm 2-3g sáng, người ta sẽ chứng kiến cảnh các con đường ở Yangon ướt sũng nước. Cần nói thêm rằng hệ thống cầu đường nơi đây rất tốt và vào khoảng 6-7g sáng, các mặt đường sẽ khô ráo hoàn toàn.

Xử phạt hành vi xả rác hoặc rửa đường là những hoạt động tiêu biểu của PCCD, một trong 20 sở thuộc YCDC. Ông Htay Lwin, một nhân viên của YCDC, cho biết từ khi được thiết lập vào năm 1990, các tòa thị chính của mỗi thành phố tại Myanmar đã xem việc xử lý rác thải là một trong những trọng trách chính. Và họ đã cực kỳ thành công trong những nỗ lực của mình.

Theo những số liệu thống kê mà Cơ quan Đánh giá hoạt động môi trường (EPA) đưa ra, tỉ lệ xử lý thành công rác thải ở Yangon vào năm 1983 chỉ là 39%, nhưng đến năm 2004 đã là 80% và mới đây nhất, YCDC khẳng định họ xử lý thành công được khoảng 1.550 tấn rác trong tổng số 1.690 tấn rác mỗi ngày, tức chiếm đến hơn 91%. Đây là thành quả từ việc YCDC đầu tư mạnh mẽ các phương tiện xử lý rác hiện đại. Họ cũng hầu như cân bằng được số tiền chi ra cho việc xử lý rác và nguồn thu từ việc tái chế chúng.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên