26/08/2017 11:14 GMT+7

Myanmar - Việt Nam: Những người bạn tin cậy của nhau

N.HUY
N.HUY

TTO - Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi khẳng định như vậy trong cuộc gặp riêng và hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 25-8 tại Phủ tổng thống Myanmar.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi - Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi - Ảnh: TTXVN

Theo đặc phái viên TTXVN, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng Việt Nam và Myanmar có mối quan hệ hữu nghị truyền thống rất đáng trân trọng, vượt qua không gian, thời gian, mối dây liên kết tinh thần và tình cảm giữa tướng Aung San và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho mối quan hệ giữa hai nước;

Khẳng định hai bên hoàn toàn tin tưởng vững chắc vào triển vọng tốt đẹp của mối quan hệ hai nước trên cơ sở những thành tựu hợp tác đạt được những năm qua;

Những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa; những tiềm năng to lớn có thể bổ sung cho nhau về thị trường, thương mại, đầu tư, nguồn nhân lực, tài nguyên phong phú và sự gần gũi về địa lý;

Những chia sẻ lợi ích và nhận thức chung về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đã trao đổi sâu rộng về những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước thời gian tới.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hai nước chính thức thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác toàn diện; nhấn mạnh đây là dấu mốc mới, tầm cao mới và động lực mới cho quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Bà Aung San Suu Kyi khẳng định Myanmar và Việt Nam thực sự là những người bạn tin cậy của nhau, những người bạn cùng chung cảnh ngộ.

Myanmar mong được tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam và được Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của mình với Myanmar.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ của Myanmar dành cho Việt Nam từ trước đến nay.

Mong hai bên sẽ tiếp tục phối hợp để thực hiện tốt các thỏa thuận để xây dựng hai nước cùng phát triển vững mạnh, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng Myanmar là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình.

Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo khẳng định hòa bình, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông không chỉ là lợi ích liên quan đến các nước có tranh chấp, mà còn là lợi ích chung của cả khu vực và thế giới; ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Cũng trong ngày 25-8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Chủ tịch Đảng Đoàn kết và phát triển liên bang Myanmar (USDP) Than Htay.

Tổng bí thư khẳng định Việt Nam coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với Đảng Đoàn kết và phát triển liên bang Myanmar; ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Đảng Đoàn kết và phát triển liên bang Myanmar đối với quan hệ hợp tác hai nước thời gian qua, tạo nền tảng vững chắc cho việc hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác toàn diện ngày hôm nay.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch đảng Than Htay nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ vốn có giữa hai đảng, góp phần củng cố nền tảng chính trị cho quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Tổng bí thư cũng đã tiếp thống tướng Min Aung Hlaing, tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar.

Chiều 25-8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Naypyidaw, đi thăm cố đô Yangon, thành phố lớn nhất, trung tâm kinh tế của Myanmar.

Tuyên bố chung Việt Nam - Myanmar

Hai bên đã ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa nước CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa liên bang Myanmar.

Tuyên bố chung nêu rõ Việt Nam và Myanmar nhất trí thiết lập quan hệ “đối tác hợp tác toàn diện”, hiện thực hóa các thỏa thuận đã ký kết và tìm kiếm những cơ hội mới cho hợp tác hai bên phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Hiến chương ASEAN, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, cũng như tôn trọng luật pháp, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi bên.

N.HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên