Myanmar và hành trình nhận thức

HỮU NGHỊ 24/11/2020 21:40 GMT+7

TTCT - Việc Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar cuối tuần rồi bị đảng đối lập - bên có quân đội làm chỗ dựa - phản ứng… là thực tế đương nhiên ở đất nước mà quân đội từng nắm quyền tuyệt đối từ năm 1962 tới tận 2011. Vấn đề là thực tế ngược chiều đó không sáng sủa gì hơn thân phận người thiểu số, đặc biệt là người Rohingya…

 

 Bà Aung San Suu Kyi vẫn hết sức được lòng quần chúng Myanmar. Ảnh: The New York Times

Các cử tri Myanmar đã đi bỏ phiếu hôm chủ nhật 8-11 vừa rồi. Đảng cầm quyền NLD tuyên bố chiến thắng ngay sau đó. Nhưng phe đối lập, được quân đội quyền uy hỗ trợ, đã cáo buộc có những bất thường trong bầu cử, dù không đưa ra mấy bằng chứng. Cuối cùng thì NLD giành được 396 ghế ở cả hai viện, nhiều hơn 322 ghế cần thiết để lập chính phủ mới. Tờ Myanmar Times15-11 tái khẳng định kết quả kèm theo chú thích “còn lớn hơn chiến thắng [long trời] lở đất năm 2015 với 390 ghế”. Người phát ngôn của NLD tuyên bố với thông tấn xã AFP: “Rõ ràng dân chúng đã nhận thức nhu cầu NLD phải có đủ số phiếu bầu để thành lập chính phủ của chính mình” và “điều này sẽ giúp giảm thiểu xung đột chính trị”.

Ý dân

Quả là người dân Myanmar đã cho thấy họ muốn gì khi dành thêm phiếu và ghế cho đảng cầm quyền so với cuộc bầu cử năm 2015. Song, đó lại không phải là ý muốn của quân đội. Nửa thế kỷ ròng rã “ăn trên ngồi trốc” đâu đã thôi là thói quen và lối suy nghĩ cùng cách sống của những người mặc quân phục, đeo sao… của Tatmadaw (quân lực Myanmar), nhất là khi bản hiến pháp năm 2008 dành sẵn 1/4 số ghế trong cả hai viện cùng 1/3 ghế ở các hội đồng dân biểu địa phương cho quân đội. Ngay cả trong thành phần chính phủ cũng thế, 3 bộ: Nội vụ, Biên giới và Quốc phòng cũng nghiễm nhiên là của giới tướng tá.

Trước bầu cử, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Popular News Agency hôm 3-11, thượng tướng Min Aung Hlaing cho biết Tatmadaw có trách nhiệm bảo vệ đất nước và hiến pháp, tờ Irrawaddy 6-11 tường thuật. Tướng Min Aung Hlaing nhấn mạnh rằng rất khó để đạt được một nền dân chủ ổn định khi có những vi phạm trong quá trình bầu cử. Đến 5-11, tướng này cho biết theo các nguyên tắc cơ bản được thiết lập trước khi có hiến pháp năm 2008, quân hàm của ông tương đương với cấp bậc của phó tổng thống; tuy nhiên, nghi thức lễ tân nhà nước chỉ xếp ông ta ở vị trí thứ 8 sau người đứng đầu ngành tư pháp!

Hai câu chuyện trên về người đứng đầu quân đội khiến dư luận ở Myanmar sốt ruột: Phải chăng chuyện khiếu nại về vai vế trong bộ máy tối cao của nhà nước là một bày tỏ thái độ, cùng với việc quân đội, chưa bầu bán gì, đã tố cáo chính phủ vi phạm bầu cử?

Thật ra, nay quân đội đã ít “chường mặt” can thiệp trực tiếp, mà thường qua các bình phong dân sự, cụ thể là Đảng Liên minh phát triển và đoàn kết (USDP), vốn trong cương lĩnh có yêu cầu ủy ban bầu cử (UEC) tổ chức đầu phiếu với sự tham gia của quân đội. UEC trả lời “không cần thiết” và công bố kết quả chung cuộc cho thấy USDP chỉ giành được 33 ghế trong hai viện, còn tệ hơn so với 41 ghế năm 2015! Cho tới nay, các tướng tá về hưu thường tham gia đảng này và nắm các vai trò lãnh đạo, nhưng vừa rồi đã có chút thay đổi trong đường lối của đảng: từ năm 2020 sẽ không giới thiệu các tướng về hưu ra tranh cử nữa (Myanmar Now 1-7).

Quân đội và vấn đề sắc tộc

Bầu cử vừa xong tối chủ nhật, qua tối thứ hai 9-11, cánh quân đội đã nhanh chóng loan báo thành lập Ủy ban đàm phán hòa bình để bắt đầu các cuộc hòa đàm với nhiều nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số, bất kể họ đã có ký Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) hay không. Ủy ban gồm 5 thành viên, đứng đầu là trung tướng Yar Pyae (đương kim chủ tịch Ủy ban giám sát ngưng bắn), các trung tướng Aung Lin Dway, Tun Tun Naung, Tin Maung Win và Min Naung. Ủy ban được thành lập từ tháng 12-2018. Cuộc thương thuyết, vốn bắt đầu từ năm 2011, phải tạm hoãn từ sau hội nghị hòa bình tháng 8 để lo tổ chức bầu cử và do đại dịch COVID-19. Để hình dung tính chấp nhận vai trò của cánh quân nhân, có thể nghĩ về phát biểu sau của tiến sĩ Min Zaw Oo, giám đốc Viện Hòa bình và an ninh Myanmar: “Quân đội sử dụng trung tướng Yar Pyae cùng các tướng kia do họ đã tham gia đàm phán và chịu trách nhiệm trong nhiều năm”.

Thật ra, việc các tướng lĩnh nay lên tiếng đòi khởi xướng lại đàm phán cũng có gốc tích của nó. Năm 2015, tổng thống lúc đó là tướng Thein Sein tự giải ngũ để nhận chức tổng thống, đã họp và ký kết với 8 thủ lĩnh các phái vũ trang dân tộc thiểu số một thỏa thuận ngưng bắn, sau 2 năm đàm phán. Tuy nhiên, vẫn còn tới 7/15 phái không tham gia đàm phán do không tin tưởng chính phủ “dân sự” vừa giải ngũ này. Có tin các phái này không tham gia do được Trung Quốc khuyên can, trong khi đàm phán là do sự thôi thúc của tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama. Bấy giờ tổng thống Thein Sein cố đạt được một thỏa thuận cho kịp tổ chức kỳ bầu cử dân sự đầu tiên vào ngày 8-11. Ngoại giao đoàn và nhiều tổ chức phi chính phủ đã chứng kiến lễ ký kết, riêng bà Aung San Suu Kyi, lúc đó đang là lãnh tụ đối lập, không tham dự. Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố: “Hoa Kỳ khen ngợi tất cả các bên vì những nỗ lực không ngừng của họ để chấm dứt xung đột dân sự kéo dài nhất trên thế giới”. Ông Kirby cũng nhắc rằng Mỹ vẫn còn lo ngại vì báo cáo về các cuộc tấn công quân sự tiếp tục ở các bang Kachin và Shan, và vì thiếu sự tiếp cận nhân đạo với 100.000 người di tản ở những khu vực đó.

Trong báo cáo mới nhất của International Crisis Group đề ngày 28-8-2020 về “Tính chủng tộc và xung đột ở Myanmar”, các tác giả giải thích nguồn gốc xung đột chủng tộc ở Myanmar như sau: “Khi tình trạng quân sự hóa và mất an ninh gia tăng ở các khu vực thiểu số, việc nhà nước không bảo vệ các cộng đồng thiểu số đã khiến hàng chục nghìn người phải cầm vũ khí - cả để ủng hộ và chống lại nhà nước, đồng thời liên minh hoặc hành động chống lại các nhóm vũ trang đại diện cho các sắc tộc đối thủ”.

Bà Aung San Suu Kyi sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước Myanmar. Ảnh: Business Insider

Phân hóa chủng tộc trong đất nước đếm được tới 135 nhóm chủng tộc khác nhau càng khốc liệt do các cộng đồng thiểu số thường đóng khung các yêu cầu chính trị của họ không phải như quyền phổ quát cho mọi dân tộc thiểu số, mà là quyền dành riêng cho các nhóm dân tộc của họ, đặc biệt thường kèm theo những yêu cầu cụ thể về lãnh thổ sinh sống. Vấn đề càng nặng nề do lẽ, theo luật pháp và tập quán Myanmar, các nhóm sắc tộc lớn hơn được hưởng nhiều quyền hơn. Cách tiếp cận như vậy tạo ra căng thẳng không ngừng giữa các nhóm dân tộc khác nhau sống đan cài và dẫn đến xung đột vũ trang bấy lâu nay.

Tương lai nào?

Liệu có thể có một lối ra nào cho Myanmar hay không? Đại sứ Mỹ tại nước này Scot Marciel tin là có. Từng là phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương và đại sứ phụ trách các vấn đề ASEAN, ông Marciel nhận nhiệm sở tại Myanmar từ tháng 4-2016, tới giữa tháng 5 vừa rồi mới từ giã. Trong phát biểu chia tay Myanmar, ông nói thẳng ai đang làm Myanmar thay đổi. Đó không phải là cánh quân nhân, bà cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi hay đảng phái nào cả, mà chính là người dân: “Các thách thức vẫn còn… Lý do mà tôi hi vọng rất nhiều cho đất nước các bạn là bởi người dân… Trong 4 năm qua, và ký ức lâu dài của tôi sẽ là tất cả những con người phi thường mà tôi đã gặp, những người đang làm việc chăm chỉ và hi sinh rất nhiều để mọi thứ tốt đẹp hơn, hợp tác để gắn kết mọi người với nhau thay vì chia rẽ, để chấm dứt xung đột và xây dựng hòa bình, để xây dựng một nền kinh tế mạnh hơn, một hệ thống y tế tốt hơn, và giáo dục tốt hơn…”.

Họ cụ thể là ai? Ông nêu ra: “Một số là thành viên của các tổ chức xã hội. Một số là nhà báo. Một số đang kinh doanh. Một số trong chính phủ. Một số là sinh viên. Và một số mô tả mình chỉ là những người bình thường. Đó là tất cả những người có thể, và tôi tin rằng sẽ giúp Myanmar trở thành một liên bang hoàn hảo hơn”.

Đây cũng là điều được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh trong thông điệp “thừa nhận cuộc bầu cử quốc hội ở Myanmar, cuộc bầu cử cạnh tranh toàn quốc thứ nhì từ khi kết thúc chế độ quân sự” phát đi từ Washington. Ông ghi nhận: “Hàng triệu người dân, bao gồm những người trẻ lần đầu đi bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu ra người đại diện cho mình…”.■

Việc quân đội Myanmar nay kêu gọi nối lại hòa đàm tương phản với tình hình xung đột kịch liệt giữa quân chính phủ với nhóm nổi dậy “Quân đội Arakan” của người thiểu số bang Rakhine từ năm 2018 tới nay. Vấn đề càng phức tạp khi những nhóm dân tộc thiểu số không thuộc chủng tộc Rakhine ở bang Rakhine nhận thấy mình bị kẹt giữa hai nhóm tham chiến. Sự bất an mà các cuộc xung đột như vậy tạo ra chỉ khuyến khích sự thành lập của các nhóm vũ trang ngày càng nhiều, một hiện tượng đã lặp đi lặp lại trong lịch sử hiện đại Myanmar.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận