TTCT - Ngày 30-3 năm ngoái, đại tướng Thein Sein chính thức làm tổng thống sau khi được Quốc hội Myanmar bầu vào vị trí lãnh đạo này. Một năm qua, vị tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar khởi đầu trong những nghi kỵ về vỏ bọc dân sự của ông, đã lần hồi khẳng định rằng đất nước này đang “lột xác”.

Phóng to
Ngoại trưởng Canada John Baird gặp Tổng thống Thein Sein (phải) tại dinh tổng thống ở Naypyidaw ngày 8-3 trong chuyến thăm Myanmar một ngày - Ảnh: Reuters

Khi đại tướng Thein Sein cùng 22 tướng lĩnh Myanmar khác giải ngũ hôm 29-4-2010, dư luận đã ngờ vực rằng đây chỉ là một “động tác giả” nhằm tiếp tục cai trị trong bộ vó dân sự. Song bằng nhiều động thái, tân Tổng thống Thein Sein đã lần hồi cho thấy việc ông giải ngũ để bước ra lãnh đạo Đảng Liên hiệp đoàn kết và phát triển, tranh cử quốc hội, rồi đắc cử tổng thống và cầm quyền chính là vì tương lai của đất nước 54,5 triệu dân này.

Cải cách kinh tế

“Những cải cách đã được đưa ra nhanh chóng đến nỗi ngay cả những chuyên gia hàng đầu của đất nước này cũng không rõ sẽ làm gì với chúng”

Tháng 8-2007, ở một thành phố đông 4 triệu dân là cựu thủ đô Rangoon (nay có tên là Yangon) tuyệt đối không xe máy và hầu như không xe hơi tư nhân, dân chúng chỉ biết di chuyển bằng xe buýt cũ kỹ có ghế ngồi bằng gỗ. Khi giá xăng đột ngột tăng “quá hớp” khiến giá cước vận tải công cộng vượt tầm tay người dân, họ đã ào ra đường phản đối suốt mấy tháng dưới sự chỉ đạo của các sư sãi. Nếu nhớ lại sự kiện này sẽ thấy cải cách “cái bụng” chính là cơ bản “có thực mới vực được đạo”!

Từ một nền kinh tế khép kín, vừa do hình thái kinh tế quốc doanh, vừa do bị Mỹ, EU và Canada cấm vận, nay chính phủ Thein Sein đang tháo gỡ những di sản cũ, tìm kiếm những vận hội mới. Di sản của nền kinh tế quốc doanh đó còn nặng nề: tài khóa năm 2009-2010 hơn 60% ngân sách được rót cho các công ty quốc doanh mà đa số làm ăn thua lỗ.

Di sản của lệnh cấm vận nặng nề không kém: hầu như không có đầu tư nước ngoài, ngoại thương hạn chế với bạn hàng chính là các láng giềng Thái Lan (38,3%), Ấn Độ (20,8%), Trung Quốc (12,9%)... tổng cộng chỉ vào khoảng 9,5 tỉ USD (2011), trong đó nhập khẩu 8,5 tỉ USD. Muốn thế phải bắt đầu bằng thay đổi nhận thức, tư duy, tầm sư học đạo.

Mới tháng trước, GS Joseph Stiglitz, chủ nhân giải Nobel kinh tế, đã đến Myanmar giảng bài. Cũng may là ở Myanmar, cho dù đã độc lập khỏi đế chế Anh từ năm 1948, song nền giáo dục vẫn duy trì được tiếng Anh như một sinh ngữ chính - sinh ngữ trong ý nghĩa nói được, sử dụng được - nên những giảng huấn của các bậc thầy như Joseph Stiglitz đã được tiếp thu trực tiếp không cần qua phiên dịch mất thời giờ và rơi rụng ý nghĩa.

Trở về từ Myanmar, GS Joseph Stiglitz đã nhận xét về quá trình đổi thay ở đấy như sau: “Trên lĩnh vực kinh tế, một sự minh bạch chưa từng thấy đã được đưa vào trong quy trình ngân sách. Chi tiêu cho y tế và giáo dục được tăng gấp đôi. Những hạn chế cấp giấy phép trong một số lĩnh vực then chốt đã được nới lỏng. Chính phủ còn cam kết sẽ tiến đến cơ chế một tỉ giá ngoại tệ” (1) thay vì hai tỉ giá chính thức và chợ đen chênh lệch rất lớn như trước giờ.

Những ai từng đến khu phố ở trung tâm thành phố Yangon, gần khu tòa đô chính cũ, và trông thấy cảnh các “con phe” đổi ngoại tệ đứng xếp lớp trên các lề đường chờ kiếm ăn từ khoản chênh lệch tỉ giá sẽ thấy việc chính phủ Thein Sein nay nhất định tiến đến “một tỉ giá” là quyết tâm như thế nào: du khách đem USD ra đổi chỉ được 800-850 kyat/USD, nhưng khi tính tiền trên hóa đơn niêm yết bằng USD (song chỉ nhận tiền kyat mà thôi) thì 1 USD được quy ra 1.100, 1.200 kyat!

Cải cách chình trị

Cải cách “cái bụng” làm nền tảng cho cải cách “thượng tầng”. Những thay đổi 180 độ đã diễn ra quá nhanh. Chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1990, song bà Aung San Suu Kyi thay vì nhậm chức thủ tướng và lãnh đạo đất nước lại bị giam giữ, quản thúc trong ngôi nhà bên bờ hồ Inya ở giữa Rangoon năm này sang năm khác. Vì vậy việc truyền thanh, truyền hình và báo chí đăng trọn một bài dài 1.820 từ của Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD, tức đảng của bà Suu Kyi) quả là chuyện “khó tin nhưng có thật” và chứng tỏ rằng Tổng thống Thein Sein đã và đang giữ lời hứa!

Trong tuyên ngôn chính trị của Đảng NLD của bà Suu Kyi trước cuộc bầu cử ngày 1-4 sắp tới có nội dung được đăng tải nguyên văn như sau: “Cuộc nội chiến đã từng chào đời cùng với nền độc lập của chúng ta vẫn còn đang thiêu đốt đất nước. Từ năm 1947 đến nay, kể từ khi các nhà lãnh đạo quốc gia bị ám sát, chúng ta đã không thể đặt lên trên bàn đàm phán những vấn đề gây ngờ vực giữa các nhóm sắc tộc và những ý thức hệ với các quan điểm chính trị khác nhau.

Thay vào đó, chúng ta đã tìm cách giải quyết bằng cách sử dụng vũ khí. Thêm vào đó, sự thiếu vắng chế độ pháp quyền càng thổi bùng ngọn lửa nội chiến... Hậu quả là một chế độ độc tài quân sự đã nổi lên. Chúng ta sẽ chỉ có thể phát triển đất nước một khi chúng ta dập tắt được ngọn lửa nội chiến và gìn giữ hòa bình...” (2).

GS Stiglitz đã đánh giá những “thay da đổi thịt” này như sau: “Những cải cách đã được đưa ra nhanh chóng đến nỗi ngay cả những chuyên gia hàng đầu của đất nước này cũng không rõ sẽ làm gì với chúng”. Trên bình diện pháp luật, cho dù trải qua mấy mươi năm độc tài quân phiệt, song tinh thần luật pháp Myanmar (nhất là luật dân sự) vẫn mang dấu vết của dân luật Anh, giúp cho việc tái hội nhập với thế giới cũng dễ dàng hơn.

Đánh giá non một năm cầm quyền của Tổng thống Thein Sein, GS Stiglitz viết: “Dưới sự lãnh đạo của ông Thein Sein, nhà chức trách đã đáp ứng những lời kêu gọi mở cửa chính trị - kinh tế. Đã đạt được tiến bộ về thỏa thuận hòa bình với phe nổi dậy thiểu số, khi những cuộc xung đột bắt nguồn từ sách lược chia để trị của chủ nghĩa thực dân mà những nhà cầm quyền của giai đoạn sau độc lập đã tiếp tục duy trì trong hơn 60 năm”.

Mở cửa ngoại giao

Từ một mối quan hệ đối ngoại hầu như “độc đạo” của nhà cầm quyền quân nhân trước kia với láng giềng, nay chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã mở ra với bốn phương. Đầu tiên là với cộng đồng ASEAN, để đến năm 2014 Myanmar sẽ lần đầu tiên nhận vai trò chủ tịch luân phiên.

Ngày 30-9 năm ngoái, sau khi tiếp thu những phản đối trong và ngoài nước về các tác động bất lợi môi trường, Tổng thống Thein Sein đã loan báo đình chỉ việc xây dựng đập thủy điện Myitsone khổng lồ trị giá 3,6 tỉ USD do Tập đoàn China Power Investment Corp. (Trung Quốc) đầu tư.

Mới đây, chủ tịch China Power Investment Corp. và cũng là một đại biểu nhân dân Trung Quốc đã tự lobby cho tập đoàn của mình khi phát biểu bên lề khóa họp quốc hội hằng năm rằng “Myanmar là láng giềng tốt, chúng tôi hi vọng sẽ sớm tái khởi động dự án này”. Một đại biểu khác của cơ quan quản lý năng lượng cũng lobby tương tự: “Đập này là một dự án tốt, sẽ đem lại cho dân địa phương một cuộc sống tốt đẹp hơn” (3). Sở dĩ ông này phân trần như thế là do đã có những chỉ trích cho rằng 90% lượng điện sản xuất sẽ dùng để cung ứng cho bên kia biên giới.

__________

(1) http://www.mmtimes.com/2012/business/618/biz61804.html
(2) New Light of Myanmar 14-3-2012
(3)
http://www.irrawaddy.org/article.php?art_id=23187

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận