15/03/2009 01:01 GMT+7

Myanmar: Ký sự mùa xuân - Phần 2: Bago - Yangon: Nơi ấy bình yên

THUY TRAN
THUY TRAN

TTO - Chiếc xe taxi thuê đi Golden Rock với giá 140 USD/2 ngày đón chúng tôi ở điểm dừng chân Kinpun như lời hẹn lúc 10g sáng. Người lái xe kiêm hướng dẫn viên mà sau này chúng tôi luôn gọi với cái tên thân mật “Bố già” thảo luận lại lịch trình với cả nhóm và chiếc xe từ từ rời khỏi miền đất thiêng mà mỗi ngày có hàng ngàn phật tử tìm về để đảnh lễ.

Phần 1: Golden Rock và sức mạnh của lòng tin

2GiT8339.jpgPhóng to
Một góc huy hoàng của Shwedagon

Con đường nắng rực, lại những cánh đồng cháy khô, một vài thửa ruộng hướng dương, một vài hàng cây xanh nằm rải rác giữa mênh mang đất trời như cố xua đi cảm giác cằn cỗi của vùng nông thôn Myanmar. Lại những trạm thu phí đường thủ công của chính phủ, 1.000 hay 2.000 kyat một xe, tiếng hát từ chiếc cassette cũ kỹ lẫn trong tiếng loa quyên tiền từ bao căn lều tạm bên đường tạo nên một cảm giác lặng với một chút buồn phiền. Một vài chiếc xe buýt cũ kỹ chở khách du lịch theo đoàn dừng lại bên những lều dưa và củ đậu trên đường đi, tháng giêng có lẽ dưa và củ đậu là hai loại nông sản phổ biến nhất có thể tìm thấy khắp nơi ở Myanmar.

Bago (Pegu)

bhaaCNQC.jpgPhóng to
Tượng Phật nằm Naung Daw Gyi Mya Tha Lyaung

Trên đường về Bago (còn được gọi là Pegu) - thủ phủ của vùng Hạ Miến nằm cách Yangon khoảng 80km về phía bắc, “Bố già” dừng xe bên một chợ cá bên sông Bago để mua chút quà về cho mẹ. Dưới lòng sông có khá nhiều người đang trầm mình để đánh bắt thủy sản một cách cực kỳ thủ công. Bến sông có những giàn phơi cá đã xẻ, đỏ sậm trong màu nắng. Bên kia đường là các cửa hàng, cá ép khô treo lủng lẳng trước hiên lều, một vài nhóm người đang ngồi làm công việc phân loại, xả thịt cá tươi vừa bắt từ dưới sông lên, tiếng dao chặt vào gỗ vang lên giữa trưa hè gay gắt, con đường rợp cây lấp lóa những chiếc xe đạp và bóng những người đàn ông khắc khổ cứ xa dần khuất dần vào ngõ nhỏ… Bình yên đến lạ.

Nếu có nhiều thời gian thì bạn có thể dành 1 ngày cho Bago, cảm nhận sự tách biệt và cũ kỹ của thị trấn bằng những giờ phút lang thang đi thăm thú những ngôi chùa nổi tiếng trong vùng. Một số đền chùa ở Bago yêu cầu du khách nước ngoài phải trả lệ phí 10 USD nếu muốn vào bên trong chụp ảnh và đảnh lễ. Còn nếu đơn giản chỉ muốn tham quan và ngắm nhìn thì du khách có thể đi xung quanh và không bước vào bên trong đường ranh giới.

vZaDNuAU.jpgPhóng to
Chùa Kyaik Pun với 4 bức tượng Phật

Ngôi chùa đầu tiên mà chúng tôi dừng chân ở Bago là Hintha Gon, một vọng cảnh đài thích hợp cho việc ngắm nhìn toàn cảnh Bago từ trên cao xuống. Bên cạnh Hintha Gon là chùa Shwemawdaw hàng ngàn năm tuổi với ngọn tháp cao tới 114 mét, nơi lưu giữ xá lợi tóc và răng của Đức Phật, và đã thay đổi về kiến trúc nhiều lần qua những biến động của thời gian và lịch sử.

Shwethalyaung là ngôi chùa nổi tiếng với bức tượng Phật nằm khổng lồ được xây dựng năm 994 sau Công nguyên dưới thời vua Miga Depa. 10 USD cho phí vào cửa và 2.000 kyat cho 1 máy ảnh hoặc máy quay phim. Gương mặt của bức tượng rất sinh động và có hồn, hiền hậu và bao dung, hẳn khi tạc nên bức tượng này các nghệ nhân xưa kia của xứ Miến đã thổi cả tâm hồn và đức tin mãnh liệt của mình vào đó, để hàng ngàn năm sau các phật tử đến Bago chiêm bái vẫn nhìn thấy Người với vẻ đẹp lay động tâm hồn.

Bức tượng Phật nằm dài 55m và cao tới 16m này hiện được bảo vệ trong một tòa nhà mái che kiên cố, ít nhiều làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp và tạo cảm giác hơi gò bó cho du khách, tuy nhiên có lẽ đó là một cách mà chính phủ lựa chọn để bảo vệ di sản của nhân loại.

DwiTxGuz.jpgPhóng to
Trẻ em bán postcard dạo ở Shwethalyaung

Cách Shwethalyung không xa là Naung Daw Gyi Mya Tha Lyaung, nơi cũng có một bức tượng Phật nằm mới tạc, tọa lạc giữa đất trời, vẫn còn nguyên vẻ lộng lẫy của sự mới mẻ, bàn chân khổng lồ và được trang điểm bằng những họa tiết, hoa văn kỳ bí, trông lạ mắt và độc đáo.

Rời con phố với một dãy nhà tập thể cổ lỗ, cũ kỹ với tấm ép, tường rêu, quán cắt tóc buồn tênh, quầy sửa chữa điện tử ngân nga một điệu nhạc nhẹ, buổi trưa lặng lẽ đi qua lúc nào không ai hay. Sự tĩnh lặng nơi đây đã khiến chúng tôi thấy mình vẫn còn đủ sức lang thang bằng bữa trưa vội trên xe với… củ đậu và dưa hấu!!!

Trên đường quay ra, cả nhóm tạm biệt Bago bằng chuyến viếng thăm chùa Kyaik Pun, nằm cách quốc lộ chừng 1,5km, nổi tiếng với hình ảnh 4 bức tượng bán thân của Phật đắp nổi bốn phía trên tháp mái của ngôi chùa. Được xây dựng lần đầu vào năm 1476 bởi vua Dhammazedi nhưng một bức tượng nguyên thủy đã bị phá hỏng trong trận động đất năm 1930. Tuy nhiên, Chính phủ Myanmar đã cho trùng tu và khôi phục, vì thế 4 bức tượng Phật mỗi ngày vẫn cùng dân Bago đón bình minh và tiễn hoàng hôn.

Yangon (Rangoon)

R8b8sFpi.jpgPhóng to
Quầy khâu giày trên hè phố

Chúng tôi thật ra đã ghé qua Yangon khi từ sân bay về trước khi bắt đầu hành trình đi Golden Rock. Yangon là thủ đô của người Myanmar kể từ năm 1885 khi người Anh xâm lược đất nước này. Vào tháng 3-2006, Chính phủ Myanmar đã chính thức công bố Yangon trở thành cố đô và chuyển thủ đô mới dời về Nay Pyi Taw thuộc làng Kyatpyae, thị trấn Pyinmana trên địa phận tỉnh Mandalay, cách thủ đô cũ 320km về phía bắc. Tuy vậy Yangon hiện vẫn đang là thành phố sầm uất, hiện đại, phát triển nhất và là đầu mối giao thông, kinh tế quan trọng hàng đầu của đất nước Myanmar.

Một city tour nho nhỏ tình cờ đến do chúng tôi đi tìm phố Bogalay Zay - nơi có đại lý du lịch mà bạn tôi đã liên hệ để đặt mua vé cho các chuyến bay nội địa.

Phố ở Yangon rất lạ, nó khiến bạn thấy một niềm vui nho nhỏ cứ len lách trong hồn. Kiến trúc thời thuộc địa cũ kỹ, rêu phong. Những tòa nhà cũ đến mức có cảm giác như thời gian đã dừng lại không hề chảy trôi qua chốn này. Những ô cửa xanh màu lá cây bên những ban công hoen gỉ, quần áo phơi đầy trong nắng. Dây điện giăng mắc như những khuông nhạc ai đó vui tay vẽ trên trời, thỉnh thoảng lại thấy một đàn chim bay vút lên, làm xao xác không trung rồi lại đậu im lìm nơi góc phố.

jNXWlIjf.jpgPhóng to
Một góc phố ở Yangon

Chúng tôi mất hơn 1 giờ để đi tìm mua sim điện thoại của Myanmar do không thể roaming điện thoại Việt Nam tới đất nước này. Vào các siêu thị, shop bán đồ điện tử, điện thoại, thậm chí bưu điện lớn nhất thủ đô nhưng vẫn không thể mua được sim với lý do không có hoặc hết giờ bán hàng. Cũng là dịp để chúng tôi đi qua các góc phố đông nghẹt người, băng qua những con đường ồn ào náo nhiệt, nghe tiếng bước chân mình vang lên trong hành lang của căn biệt thự kiểu Anh nay là bưu điện thành phố vắng người buổi ban trưa.

Giao thông ở Myanmar nói chung và Yangon nói riêng thường mang lại một ấn tượng lớn trong lòng du khách. Ở Yangon, ôtô là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân. Rất nhiều ôtô nhưng tuyệt đại đa số là xe cổ lỗ sĩ không biết có bao nhiêu tuổi đời, đã chế tác và thay đổi lại những gì, trong bao nhiêu lần. Thoạt nhìn chiếc xe nào trông cũng khá hào nhoáng bởi lớp vỏ, tuy nhiên nội thất lại cũ kỹ, xộc xệch, có lẽ chỉ đáp ứng yêu cầu duy nhất là để vận chuyển!

JTbu7Z5h.jpgPhóng to
Đổi tiền trong chợ Bogyoke Aung San

Xe tải là một phương tiện cực kỳ hữu ích trong việc vận chuyển hành khách, người dân sẵn sàng kiếm một chỗ, thậm chí chỉ là đặt chân lên chiếc xe vốn dĩ đã được lèn đông nghèn nghẹt những người là người.

Buổi tối ở gần khu phố tôi nghỉ đêm là một bến xe nhỏ, từng chiếc xe liên tỉnh, xe buýt đậu trên phố, lơ xe cầm loa mời chào, đập ầm ầm vào thùng xe giục giã… Xe nào xe nấy đông đến mức dù chỉ nhìn thôi chúng tôi cũng cảm thấy khó thở. Thật kinh ngạc khi hằng ngày vẫn có hàng ngàn người dân Miến di chuyển theo cách đó, cuộc sống vẫn tiếp diễn và chảy trôi. Và có lẽ đó cũng là lý do mà thuê xe riêng để di chuyển ở Myanmar khá đắt đỏ, một nhóm khách du lịch hoàn hảo có lẽ nên dừng lại ở con số 4 hoặc bội số của 4 để tiện cho vấn đề đi lại, tiết kiệm chi phí tối đa.

Lại nói chuyện khi quay lại Yangon từ Bago, chúng tôi đã tiêu hết số tiền kyat đổi từ ngày hôm trước ở đại lý du lịch. Ở Myanmar có thể tiêu dùng bằng đồng USD và kyat, tuy nhiên không phải lúc nào đồng USD cũng được người dân chấp nhận. Họ vẫn ưa thích đồng kyat hơn, do đó luôn phải tính toán để có cả 2 loại tiền trong ví. Mặt khác do tờ kyat mệnh giá lớn nhất của Myanmar là 1.000 kyat, với tỉ giá quy đổi trung bình 100 USD "ăn" 100.000 kyat, bạn thử tưởng tượng xem bạn sẽ phải cầm một “cọc” tiền lớn như thế nào nếu đổi vài trăm USD để tiêu dùng vào những việc đơn giản?

AvguQQd9.jpgPhóng to
Cá khô bên bờ sông Bago

“Bố già” đưa chúng tôi tới chợ Bogyoke Aung San, một trong những nơi được bạn bè rỉ tai là đổi tiền với tỉ giá tốt nhất có thể ở Yangon, đồng thời rủi ro về tiền giả cũng ít hơn. Đổi tiền trong các ngân hàng của chính phủ tỉ giá thường thấp và không thuận lợi nên chợ và các cửa hàng kinh doanh đá quý là một lựa chọn hợp lý (dù không hợp pháp).

Đang dạo vòng ở chợ thì một người đàn ông trông khá lanh lợi chặn chúng tôi lại và hỏi "có phải các bạn muốn đổi tiền không?'. Sau khi thỏa thuận được giao dịch, các bạn tôi chia nhau kiểm tra tiền, những cọc tiền còn mới và nặng trĩu tay. Khi tôi giơ máy ảnh lên thì người đàn ông vội vàng tránh và giơ tay che mặt.

Chợ Bogyoke mở cửa từ 8g sáng đến 6g chiều, với hơn 2.000 gian hàng các loại. Bạn có thể dành nửa ngày lang thang ở đây để tìm kiếm những niềm vui, những khám phá và trải nghiệm thú vị với dân địa phương, mua sắm đá quý, đồ nữ trang - mặt hàng vốn được bán khắp mọi nơi trên đất nước từ những gian hàng sang trọng đến những quầy lưu niệm nho nhỏ và thậm chí trên cả vỉa hè!!! Nhưng du khách được khuyến cáo là nên mua sắm đá quý và đồ nữ trang ở chợ, sẽ an toàn và đảm bảo hơn.

htACKTOE.jpgPhóng to
J5OyAvUF.jpg
Bình yên những con đường

Chiều xuống. “Bố già” đưa chúng tôi đến chùa Vàng Shwedagon (phí vào cửa cho khách du lịch là 5 USD/người/lần) - trái tim Phật giáo, niềm kiêu hãnh của nhân dân Myanmar. Ngôi chùa hoành tráng và bề thế này nổi tiếng với ngọn tháp vàng cao 99m được dát vàng lá, đính đá quý và hồng ngọc xung quanh bởi các tín đồ phật tử đến từ khắp nơi trên thế giới, xung quanh là các ngọn tháp nhỏ hơn được sắp xếp và phân chia thành 7 ngày trong tuần. Ai sinh ra vào thứ nào sẽ đến cầu nguyện và dâng hương tại cung thứ tương ứng.

Truyền thuyết cho rằng ngôi chùa đã có gần 2.500 năm tuổi nhưng các nhà khảo cổ cho rằng Shwedagon được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 10, trải qua nhiều biến động và đã được xây dựng trùng tu lại rất nhiều lần. Cùng với việc lưu giữ xá lợi tóc của Đức Phật, Shwedagon đã trở thành một nơi đảnh lễ linh thiêng bậc nhất của người dân Myanmar.

Ngắm hoàng hôn từ trên Shwedagon là một trong những việc không thể bỏ qua khi đến Yangon. Hòa mình vào dòng người đi hành hương đông nghẹt, cùng ngồi cầu nguyện trên khoảng sân lát đá mát lạnh, tắm Phật, dâng hoa… để thấy lòng mình thanh thản hơn, dịu nhẹ hơn và cũng thấy tự hào hơn cho người dân Myanmar vì đã xây dựng và gìn giữ được một tuyệt tác kiến trúc kỳ vĩ thanh tao, nơi con người có thể gửi gắm niềm tin mãnh liệt của mình giữa bao trăn trở bộn bề bên ngoài cuộc sống kia.

Còn tiếp phần 3: Bagan - Cổ tích về những ngôi đền

THUY TRAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên