Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường vào cuối tháng 7, nhiều nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Thái Lan, Việt Nam hưởng lợi từ việc giá gạo tăng cao.
Myanmar cũng dự kiến đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong những tháng tới để tranh thủ thời cơ giá gạo thế giới đang ở mức cao và người tiêu dùng đang tìm đến các nguồn cung giá rẻ hơn.
Báo Bangkok Post dẫn lời chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Myanmar, ông Ye Min Aung cho biết việc nguồn cung lúa gạo bị thắt chặt khắp nơi trên thế giới sẽ giúp xuất khẩu gạo Myanmar phục hồi, mặc dù xuất khẩu gạo của nước này đã giảm 56% trong 4 tháng đầu năm 2023.
Không những vậy, ông Ye Min Aung cũng hy vọng Myanmar có thể tiến gần hơn đến mục tiêu thu được 1 tỉ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu gạo.
Theo số liệu của Liên đoàn Lúa gạo Myanmar, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7-2023, nước này đã xuất khẩu khoảng 320.000 tấn gạo và thu về 138 triệu USD. Triển vọng về xuất khẩu gạo Myanmar càng tăng cao hơn khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo hồi tháng trước.
Các hạn chế của Ấn Độ đã đẩy giá gạo tại một số quốc gia đối thủ về xuất khẩu lúa gạo của Myanmar trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Việt Nam - PV) lên mức cao nhất trong 15 năm.
"Chúng tôi hy vọng sẽ tận dụng được lợi thế này mặc dù chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung vào xuất khẩu các giống gạo có chất lượng cao", ông Ye Min Aung nói.
Cuộc đảo chính vào tháng 2-2021 đã dẫn đến bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế và tình hình an ninh lương thực tại Myanmar trở nên bấp bênh. Trước tình cảnh đó, Chính phủ Myanmar đã phải điều chỉnh chính sách xuất khẩu lúa gạo nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho người dân trong nước.
Trong hai năm trước đó, Myanmar thu về hơn 800 triệu USD mỗi năm từ việc xuất khẩu gạo, theo số liệu của Liên đoàn Lúa gạo Myanmar.
Những khách hàng hàng đầu của Myanmar gồm Trung Quốc, Philippines và Bỉ. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xếp Myanmar là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ sáu trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận