Bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước ở Myanmar - Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, động thái này diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính sau một cuộc bầu cử mà quân đội cho là gian lận.
Trong cuộc gọi với Reuters, người phát ngôn Myo Nyunt cho biết bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo khác đã bị "bắt" vào đầu giờ sáng.
"Tôi muốn kêu gọi người dân đừng phản ứng một cách hấp tấp và tôi muốn họ hành động theo luật pháp", ông Myo Nyunt nói. Trớ trêu là ông Myo Nyunt cho biết bản thân ông dự kiến cũng sẽ bị bắt.
Trước đó, trong cuộc bầu cử năm 2020, Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) ở Myanmar tuyên bố chiến thắng vào ngày 9-11 sau khi đạt được đủ số ghế để tự thành lập chính phủ riêng như cách đây 5 năm.
Căng thẳng giữa quân đội và chính phủ do NLD lãnh đạo đã tăng cấp khi gần đến ngày bầu cử. Phía quân đội cáo buộc cuộc bầu cử lần này có vấn đề, là vi hiến vì tước bỏ quyền bỏ phiếu của hàng triệu người thuộc nhóm dân tộc thiểu số.
Vào sáng 1-2, đường dây điện thoại đến Naypyitaw, thủ đô của Myanmar không thể liên lạc được. Nghị viện Myanmar dự kiến sẽ bắt đầu họp ở đây vào thứ hai sau cuộc bầu cử vào tháng 11 mà Đảng NLD giành được thắng lợi vang dội.
Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác bỏ cáo buộc gian lận phiếu bầu của quân đội, nói rằng không có sai sót nào đủ lớn để ảnh hưởng đến độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu. Người phát ngôn của quân đội không trả lời các liên lạc của phóng viên Reuters.
Trong khi đó, đài truyền hình nhà nước MRTV đăng trên Facebook rằng các chương trình của nhà đài không thể phát tin như thường lệ do có sự cố kỹ thuật. Quân đội Myanmar trước đó, ngày 30-1 cho biết sẽ bảo vệ và tuân thủ hiến pháp cũng như hành động theo luật sau trước những lo ngại về đảo chính.
Theo hiến pháp, 25% số ghế trong quốc hội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi được dành cho quân đội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận