Phóng to |
Ngày 4-7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã điện đàm cho Bộ trưởng ngoại giao Pakistan Hina Rabbani Khar và thừa nhận trách nhiệm vụ không kích của NATO tại vùng biên giới Pakistan cuối năm 2011.
“Chúng tôi rất xin lỗi vì những tổn thất mà quân đội Pakistan đã trải qua. Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với Pakistan và Afghanistan để ngăn chặn vụ việc tương tự tái diễn” - Ngoại trưởng Clinton thông báo về nội dung điện đàm.
Đổi lại, bà Clinton cho biết Ngoại trưởng Khar đã thông báo không tiếp tục phong tỏa các tuyến đường tiếp tế cho binh sĩ NATO ở Afghanistan, cũng như không thay đổi khoản phí quá cảnh hiện tại là 250 USD/xe.
Đại sứ Pakistan tại Mỹ Sherry Rehman cho biết Pakistan đánh giá cao phát biểu của bà Clinton và hi vọng “quan hệ song phương có thể cải thiện tốt hơn từ đây”.
Ngoại trưởng Clinton gọi quyết định của Pakistan “là một minh chứng hữu hình của sự nỗ lực từ Pakistan đối với một Afghanistan an ninh, hòa bình và thịnh vượng cũng như mục tiêu chung của hai nước trong khu vực”. Bà cho biết việc các tuyến đường được mở trở lại sẽ giúp Mỹ và đồng minh thực hiện chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan với chi phí thấp hơn nhiều.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Tổng thư ký NATO Anders Ramussen hoan nghênh quyết định của Pakistan.
Thỏa thuận này kết thúc bảy tháng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Pakistan. Trước đó, Nhà Trắng tuy công nhận hậu quả không kích nhưng không chịu nhận lỗi. Pakistan từng ra điều kiện cho phép đoàn tiếp tế đi qua nếu đóng phí 5.000 USD/xe.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thông tin và truyền thanh Pakistan Qamar Zaman Kaira cho biết trong nước vẫn còn nhiều đảng phản đối mở lại tuyến đường tiếp tế, nhưng “hi vọng người dân Pakistan sẽ không nghe theo họ”. Bộ trưởng Kaira nói Pakistan sẽ tiếp tục yêu cầu Mỹ dừng chiến dịch không kích.
Ngay sau khi hay tin, phiến quân Taliban ở Pakistan tuyên bố sẽ tấn công các đoàn xe tải tiếp tế cho NATO. “Chúng tôi không cho phép bất kỳ kẻ nào sử dụng lãnh thổ Pakistan để vận chuyển trang bị dùng để chống lại người dân Afghanistan” - một phát ngôn viên của nhóm phiến quân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận