09/03/2019 09:20 GMT+7

Mỹ vẫn mở cửa đối thoại với Triều Tiên

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Chính quyền Mỹ vẫn tin Triều Tiên có thể phá bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân của họ trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, và sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán tiếp theo với Bình Nhưỡng.

Mỹ vẫn mở cửa đối thoại với Triều Tiên - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump tại Nhà Trắng ngày 7-3 - Ảnh: Reuters

Đây là quan điểm của một quan chức cấp cao không muốn nêu tên thuộc Bộ Ngoại giao đưa ra ngày 7-3 (giờ địa phương), được Hãng tin Bloomberg dẫn lại. Vị quan chức này tiết lộ thêm Mỹ cũng sẽ không bị thúc ép phải thực hiện điều này theo bất cứ lộ trình thời gian nào.

Lời của quan chức này có vẻ "đồng thanh tương ứng" với quan điểm ông Trump từng lặp lại nhiều lần thời gian qua: không vội đạt được thỏa thuận với về phi hạt nhân hóa.

Sẽ có tiến bộ trước tháng 1-2021

Phát biểu trước báo giới ở Nhà Trắng ngày 7-3, ông Trump nói "hơi thất vọng" trước các thông tin truyền thông cho biết đã phát hiện những hoạt động mới tại một trung tâm nghiên cứu tên lửa và một bãi phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên.

Ông cũng nói thời gian sẽ cho mọi người câu trả lời chính xác về việc chính sách ngoại giao của Mỹ với Triều Tiên thành công hay không.

"Trong khoảng một năm nữa, chúng tôi sẽ cho quý vị biết" - ông Trump úp mở.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun Soo, trong lúc này quân đội của Mỹ và Hàn Quốc đang chia sẻ thông tin tình báo về các diễn biến tại trung tâm nghiên cứu tên lửa của Triều Tiên ở Sanumdong, ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng và tại một bãi phóng tên lửa tầm xa khác.

Tại một cuộc họp báo cùng ngày ở Bộ Ngoại giao Mỹ, vị quan chức không muốn nêu tên nói trên đã có thêm các thông tin khác cho báo giới về tình thế hiện nay của đàm phán Mỹ - Triều.

Theo người này, bất kể diễn biến mới mà tình báo Hàn Quốc cung cấp cũng như việc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 không đạt được thỏa thuận, chính quyền của ông Trump vẫn tin tưởng có thể thực thi một thỏa thuận vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống.

Theo vị quan chức này, việc đạt được tiến bộ nhanh chóng là điều quan trọng, song mục tiêu là "có thể đạt được" trước tháng 1-2021.

Theo Hãng tin AP, lúc này chính quyền ông Trump vẫn đang cố gắng xác tín Triều Tiên đang làm gì với các hoạt động mới được phát hiện nghi liên quan đến tên lửa gần đây, thông qua đàm phán trực tiếp với Triều Tiên hoặc các phân tích tình báo thu thập được.

Theo vị quan chức ngoại giao này, chính quyền ông Trump không hẳn đồng tình với nhận định của các chuyên gia cho rằng các tín hiệu mới ở các bãi phóng tên lửa là động thái cho thấy Triều Tiên giận dữ sau khi cuộc hội đàm thượng đỉnh mới đây ở Hà Nội không đạt được thỏa thuận.

Tới giữa tuần này, ông Trump vẫn khẳng định mặc dù không đạt được thỏa thuận, mối quan hệ giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn "tốt". Ông Trump ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp với ông Kim, nhưng giai đoạn đàm phán tiếp theo chắc chắn được tiến hành ở các cấp thấp hơn.

Mỹ muốn gì từ Triều Tiên?

Khi được hỏi thực tế chính quyền ông Trump đang tìm kiếm những điều gì cụ thể trong yêu cầu phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ đó là phá hủy tất cả những gì liên quan đến chu trình nhiên liệu hạt nhân (PV - từ khai thác mỏ uranium đến giai đoạn xử lý các chất thải phóng xạ), loại bỏ các đầu đạn hạt nhân, loại bỏ các tên lửa đạn đạo liên lục địa cùng bất cứ chương trình vũ khí phá hủy hàng loạt nào.

Chính quyền Mỹ cũng đang có kế hoạch tái định hướng nền kinh tế Triều Tiên theo hướng tập trung vào đời sống người dân. Mặc dù vẫn còn khoảng cách trong đàm phán, song "cửa vẫn để ngỏ cho những càng sớm càng tốt" - vị quan chức Bộ Ngoại giao khẳng định.

Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, ông John Bolton, cũng nêu quan điểm này trong chương trình của Đài Fox News phát ngày 7-3, khi nói Tổng thống Trump để ngỏ cánh cửa đối thoại thêm với Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa, bất kể những thông tin thiếu tích cực trên truyền thông gần đây.

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu cẩn thận tình hình. Như tổng thống nói, sẽ rất thất vọng nếu họ đi theo hướng này" - ông Bolton nói.

Trước đó, hai tờ báo của Hàn Quốc là JoongAng Ilbo và Donga Ilbo dẫn thông tin từ Cơ quan tình báo quốc gia báo cáo trước các nghị sĩ cho biết họ phát hiện hoạt động mới tại một nhà máy ở Sanumdong, nơi từng chế tạo ra loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên có khả năng phóng tới lãnh thổ Mỹ.

Cùng với đó, hai tổ chức nghiên cứu của Mỹ và cơ quan tình báo của Seoul cũng cáo buộc Triều Tiên đang khôi phục một phần bãi phóng tên lửa Sohae. Tới ngày 7-3, theo Reuters, các tổ chức nghiên cứu của Mỹ nói họ tin là bãi phóng tên lửa đã hoạt động trở lại.

Ông Bannon tin ông Trump tái đắc cử tổng thống

Trả lời phỏng vấn Hãng tin Kyodo của Nhật mới đây, ông Steve Bannon - cựu trưởng chiến lược gia Nhà Trắng - nhận định nếu ông Trump vượt qua các cuộc điều tra nhằm vào chiến dịch tranh cử 2016 cũng như các quan hệ kinh doanh, ông ấy sẽ giành được một "chiến thắng lớn hơn" trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Ông Bannon cho rằng các cuộc điều tra của chính quyền bang, của các nhà điều tra liên bang và các hạ nghị sĩ Dân chủ đang tạo ra "một đám sương mù", khiến rất khó có được một bức tranh rõ ràng về sự việc.

Tuy vậy, ông Bannon vẫn tin rằng căn cứ vào những gì ông biết hiện nay và tính cách "cố chấp" của ông chủ Nhà Trắng, ông Trump sẽ vượt qua những thách thức để tái đắc cử tổng thống năm 2020.

Truyền thông Triều Tiên lần đầu nói về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều

TTO - Lần đầu tiên truyền thông nhà nước Triều Tiên thừa nhận cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên