07/11/2013 02:06 GMT+7

Mỹ vẫn duy trì hiện diện ở châu Á

THANH TUẤN thực hiện
THANH TUẤN thực hiện

TT - Đến Việt Nam trong chuyến thăm một loạt nước châu Á, ông Scot Marciel - phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - trả lời Tuổi Trẻ về tái cân bằng ở châu Á cũng như các vấn đề trong quan hệ giữa hai nước.

XChodoTZ.jpgPhóng to
Ông Scot Marciel trả lời Tuổi Trẻ tại TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

* Mỹ chuyển trục sang châu Á và tái cân bằng là câu chuyện mà cả khu vực nói trong vài năm nay. Nhưng có vẻ “tái cân bằng” chủ yếu vẫn là lời nói hơn là hành động thực tiễn ở khu vực...

- Ông Scot Marciel: Tôi không đồng ý một chút ở điểm này. Đã có rất nhiều hoạt động (tái cân bằng) tại khu vực. Trước hết, toàn bộ ý tưởng của tái cân bằng là sự cam kết, rằng chúng tôi sẽ tham gia rất tích cực và là đối tác tốt ở khu vực trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, đối ngoại, quan hệ người với người,...

Nếu nhìn vào những gì chúng tôi đã làm, chúng tôi bắt đầu bằng việc ký kết Hiệp ước thân thiện và hợp tác (với ASEAN năm 2009); ngoại trưởng Mỹ tham gia mọi diễn đàn an ninh khu vực (ARF) cũng như các cuộc họp ngoại trưởng; lần đầu tiên trong lịch sử có cuộc gặp lãnh đạo giữa Mỹ và các nước ASEAN và giờ trở thành thường niên - đó là bước đi lớn. Chúng tôi dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á - đây là điều quan trọng vì chúng tôi ngồi cùng với các lãnh đạo trong khu vực để trao đổi các vấn đề của hiện tại và tương lai. Vì những điều này tôi sẽ không đánh giá thấp (chuyện tái cân bằng) chút nào.

Chúng tôi cũng đã đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một vấn đề rất lớn trên góc độ kinh tế. Cải thiện quan hệ song phương với tất cả các nước trong khu vực..., xây dựng quan hệ tốt hơn với các nước, trong đó có việc tuyên bố quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam vào mùa hè vừa qua. Nếu nhìn vào đó thì thấy rõ là có rất nhiều hoạt động của Mỹ tham gia (tại khu vực).

* Tôi đồng ý với những gì ông đề cập xét trong giai đoạn 2010-2012 khi ngoại trưởng Hillary Clinton còn tại nhiệm. Nhưng khi ông John Kerry nhậm chức thì có vẻ như Trung Đông, Nam Á... là những khu vực được quan tâm nhiều hơn?

- Tôi có vài ý với luận điểm này. Trước hết khi chúng tôi nói “tái cân bằng”, chúng tôi không có ý là sẽ bỏ mặc hết phần còn lại của thế giới hay bỏ mặc các cuộc khủng hoảng các nơi khác để chỉ tập trung vào châu Á. Vì vậy tôi nghĩ mọi người không nên ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Kerry phải giải quyết cuộc khủng hoảng lớn khác trên thế giới. Tôi không nghĩ điều đó ảnh hưởng tới “tái cân bằng” vì đó là một chiến lược rất dài hạn chứ không phải là trong sáu tháng chúng tôi chỉ tập trung vào châu Á...

Thứ nữa là khi Tổng thống Obama nhậm chức vào năm 2009, chúng tôi thực tế đã đẩy cao hơn mức độ tham gia ở khu vực. Với Ngoại trưởng Kerry, chúng tôi duy trì mức độ tham gia này, chứ không hề giảm. Rồi Ngoại trưởng Kerry đã tới khu vực ba lần trong bảy tháng vừa qua, trong đó có chuyến đi rất dài hồi tháng trước và ông cam kết sẽ trở lại khu vực sớm. Tôi sẽ nói đúng là Ngoại trưởng Kerry đã tham gia nhiều vào chuyện Syria, đúng là ông ấy cố để đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông khởi động trở lại - điều có lợi cho tất cả mọi người. Đây không phải là tập trung chỗ này thì mất chỗ kia. Chúng tôi vẫn duy trì mức độ tham dự ở châu Á.

Tôi nghĩ “tái cân bằng” không phải có một lộ trình hoạch định sẵn. Nó là một định hướng rộng của tổng thống Mỹ về tầm quan trọng của khu vực. Vì lẽ đó, kể cả khi chúng tôi có bị cắt giảm ngân sách thì chúng tôi cũng sẽ cố đảm bảo tập trung và giữ mức cam kết ở khu vực - đó chính là nội dung của tái cân bằng.

* Việt Nam và Mỹ tuyên bố quan hệ đối tác toàn diện hồi tháng 7, rồi ký thỏa thuận về hạt nhân hồi tháng 10. Ông nghĩ sao về định hướng quan hệ hai bên?

- Tôi nghĩ là rất tốt. Những gì tôi chứng kiến từ năm 1993 khi tôi mới đến Hà Nội (ông là quan chức ngoại giao đầu tiên của Mỹ được bổ nhiệm tới Việt Nam sau khi Việt Nam thống nhất - PV) cho đến giờ phải nói là những tiến bộ vô cùng lớn. Chúng ta đi từ quan hệ cực kỳ hạn chế khi chỉ làm việc trong rất ít lĩnh vực cho đến mối quan hệ khá rộng và đa dạng hiện nay từ những thứ truyền thống như ngoại giao, an ninh, thương mại. Chúng ta còn hợp tác về y tế, biến đổi khí hậu, khoa học, trao đổi giáo dục, trao đổi con người. Tôi nghĩ chúng ta đã hiểu nhau hơn nhiều. Mức độ niềm tin lớn hơn nhiều. Chúng ta hi vọng mối quan hệ này tiếp tục phát triển và cải thiện.

Chuyến đi của tôi tại Việt Nam trước hết là để cập nhật tình trạng quan hệ hiện tại giữa hai nước. Tại Hà Nội, chúng tôi bàn thảo một loạt vấn đề như về cơ sở mới cho cơ quan ngoại giao, chúng tôi muốn có miếng đất để xây dựng đại sứ quán mới để thể hiện sự thay đổi trong quan hệ giữa hai bên, và một loạt vấn đề khác.

* Với đủ các vấn đề ở Washington hiện nay thì Mỹ có thể duy trì sự hiện diện của mình tại biển Đông cũng như là khu vực?

- Đương nhiên là được. Chúng tôi có một số vấn đề ở Washington - như mọi nước khác. Chúng tôi thẳng thắn nói công khai về các vấn đề của mình. Có những thách thức, vụ đóng cửa chính quyền là điều không may nhưng cam kết thì vẫn ở đó, các nguồn lực vẫn còn đó. Chúng tôi đến giờ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và chúng tôi vẫn có cam kết rất rõ rệt ở khu vực.

* Về hợp tác quân sự giữa hai nước, ông nhận định ra sao?

- Nếu nhìn vào lịch sử giữa hai nước thì có thể thấy đây là vấn đề không dễ. Phải mất thời gian để hai bên xây dựng niềm tin và đó là điều đã diễn ra đều đặn trong các năm qua - chúng ta đã có thêm nhiều tiến bộ. Chúng ta có thể hi vọng điều đó sẽ tiếp tục...

* Xin cảm ơn ông.

THANH TUẤN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên