17/09/2014 08:08 GMT+7

Mỹ và Việt Nam nối lại chương trình Con nuôi đặc biệt

VÂN ĐỖ
VÂN ĐỖ

TT - Chiều 16-9, tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo về chương trình Con nuôi đặc biệt chính thức triển khai giữa Việt Nam và Mỹ.

Bà Tiffany Murphy, trưởng phòng lãnh sự Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội - Ảnh: Vân Đỗ

Theo đó, về việc hai nước nối lại hợp tác trong lĩnh vực cho nhận con nuôi, bà Tiffany Murphy, trưởng phòng lãnh sự Đại sứ quán Mỹ, cho biết Việt Nam đã có bước tiến trong cải thiện hệ thống phúc lợi của trẻ em thông qua Công ước Hague về con nuôi, đặc biệt là đối với trẻ em có nhu cầu đặc biệt, như ban hành luật nuôi con nuôi mới, nghị định và các thông tư liên quan.

Quan trọng hơn, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục cải thiện hệ thống bằng việc đào tạo những cán bộ hoạt động trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, tạo điều kiện cho việc nhận con nuôi Việt Nam được diễn ra hợp pháp, minh bạch và nhân văn.

Bên cạnh việc gia nhập Công ước Hague, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn một đề án năm năm về cải thiện hệ thống phúc lợi trẻ em. Trong hai năm từ 2012 - 2014, Việt Nam đã thực thi những bước hệ thống và bài bản nhằm cải thiện quy trình thực thi Công ước Hague.

Để đảm bảo không lặp lại những trường hợp từng xảy ra trước đây, các trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi sang Mỹ sẽ nhận thị thực di cư do Đại sứ quán Mỹ duyệt. Trẻ nhập cảnh sẽ nhận đầy đủ quyền lợi công dân Mỹ như an sinh, y tế, xã hội.

Ngoài ra cha mẹ nhận nuôi và trẻ sẽ nhận được các hỗ trợ về tâm lý cũng như về xã hội từ các tổ chức con nuôi. Mỗi gia đình có nguyện vọng xin nhận con nuôi tại Mỹ phải trải qua một quá trình điều tra xã hội nghiêm ngặt để xác định đủ điều kiện nhận con nuôi và sẽ phải trải qua 20-30 giờ đào tạo và hỗ trợ trước khi nộp đơn xin nhận con nuôi.

Chương trình Con nuôi đặc biệt bao gồm các đối tượng được nhận nuôi là nhóm trẻ từ 5 tuổi trở lên, nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt về thể chất và trí tuệ và nhóm trẻ không phải con một. Nhóm trẻ em trong chương trình Con nuôi đặc biệt được xếp vào danh sách 2. Nhóm trẻ em mạnh khỏe được xếp vào danh sách 1. Hai danh sách được xử lý theo hai quy trình khác nhau.

Trả lời trước báo giới, bà Tiffany Murphy cho biết: “Tiến hành cho - nhận con nuôi với danh sách 2 là kim chỉ nam cho việc mở rộng cho - nhận con nuôi với các đối tượng khác”.

Quy trình nhận con nuôi của Công ước Hague diễn ra rất tốn thời gian, đòi hỏi chính phủ hai bên phải trao đổi nhiều. Những nỗ lực đó nhằm đảm bảo tính phù hợp giữa cha mẹ nhận nuôi và trẻ. Hai bên đã thông qua thỏa thuận cha mẹ phải thông qua quy trình như vậy để có thể ghép với con nuôi. Đó là điều mà trước đây đã không được thực hiện giữa Mỹ và Việt Nam.

Trước thời điểm tạm ngừng chương trình vào năm 2008, có 42 cơ sở của Mỹ làm dịch vụ trung gian cho - nhận con nuôi tại Việt Nam. Bộ Tư pháp Việt Nam, phối hợp với một số bộ ban ngành như Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao có thẩm quyền quyết định cấp phép cho các tổ chức con nuôi. Việt Nam bày tỏ sẽ hạn chế số lượng tổ chức con nuôi đối với từng nước.

Theo bà Tiffany Murphy: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quyết định này của Việt Nam. Hi vọng sẽ có thể có thêm một tổ chức con nuôi từ Mỹ”.

Nối lại hợp tác cho - nhận con nuôi với Mỹ là việc bình thường

Chiều 16-9, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Bình - cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp - cho biết trong buổi sáng ông vừa trao hai giấy phép cho hai tổ chức của Mỹ tham gia chương trình nhận con nuôi tại Việt Nam là Dillon International, Inc. và Holt International Children’s Services, Inc.

“Đây là các tổ chức quốc tế thứ 33, 34 được cấp phép và Mỹ là quốc gia thứ 12 hiện diện ở Việt Nam trong chương trình hợp tác này” - ông Bình cho biết. Cả hai tổ chức này đều được kiểm định theo tiêu chuẩn Công ước Hague, có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết con nuôi nước ngoài cũng như đã có lịch sử lâu năm hoạt động nhân đạo tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Mỹ là một trong số ba nước tuyên bố dừng chương trình nhận con nuôi của Việt Nam từ năm 2007-2008 nhưng đến nay ba nước đã nối lại hoạt động và Mỹ là quốc gia cuối cùng.

“Cho đến khi Việt Nam là thành viên Công ước Hague thì đến nay nối lại hợp tác với Mỹ là chuyện bình thường” - ông Bình nói.

Ông khẳng định việc cấp phép cho hai tổ chức của Mỹ không có gì đặc biệt, bởi họ cũng phải đáp ứng đầy đủ điều kiện như các tổ chức khác đã được Việt Nam cấp phép. Mọi hoạt động cho - nhận con nuôi đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, thỏa thuận song phương, các công ước và quy định chung của quốc tế mà hai bên cùng tham gia.

L.K. - VÂN ĐỖ

 

VÂN ĐỖ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên