Trụ sở UNESCO tại Paris - Ảnh: AP
Theo Hãng tin AP, chính quyền của ông Trump đã gửi thông báo rút khỏi UNESCO trong tháng 10-2017 và sau đó thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, có động thái hưởng ứng với quyết định tương tự.
Cả Mỹ và Israel đều lấy lý do rút khỏi UNESCO để phản đối cơ quan đặt trụ sở tại Paris, Pháp này có những chính sách bất công, chống lại Israel như lên án việc chiếm đóng đông Jerusalem của Israel, công nhận các địa danh cổ thuộc Palestine trong khi người Israel cho rằng đáng lẽ là của họ và cấp tư cách thành viên đầy đủ cho Palestine năm 2011. Mỹ cũng yêu cầu "cải tổ cơ bản" với UNESCO.
Ông Danny Danon, đại sứ Israel tại LHQ, ngày 1-1 nói đất nước ông "sẽ không là thành viên của một tổ chức mà mục tiêu của nó là cố tình hành động chống lại chúng tôi, và tổ chức đó cũng đã trở thành một công cụ bị những kẻ thù của Israel thao túng".
Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về việc này vì Chính phủ Mỹ vẫn đang đóng cửa.
Việc rút khỏi tổ chức này của Mỹ và Israel được nhận định sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn với UNESCO về tài chính, vì tổ chức này vốn đã phải xoay xở với tình trạng cắt giảm ngân sách từ năm 2011 khi cả Mỹ và Israel dừng đóng góp ngân sách sau khi Palestine trở thành quốc gia thành viên của UNESCO.
Kể từ đó tới nay, Mỹ, quốc gia có phần đóng góp chiếm khoảng 22% tổng ngân sách hoạt động của UNESCO, đã "nợ" tới 600 triệu USD tiền ngân sách chưa đóng. Đây cũng là một trong những lý do khiến Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi tổ chức. Israel hiện cũng nợ khoảng 10 triệu USD.
Theo Đài Al Jazeera, Mỹ từng rút khỏi UNESCO trước đây, đó là dưới thời chính quyền của cựu tổng thống Reagan năm 1984 với cáo buộc tổ chức này được quản lý kém, tham nhũng và bị lợi dụng để ủng hộ các lợi ích của Liên bang Xô viết. Năm 2003 Mỹ đã gia nhập lại UNESCO.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận