07/01/2020 06:13 GMT+7

Mỹ và Iran nếu có đụng độ thì là ở... Iraq

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Iran và Mỹ có thể sẽ chạm trán tại Iraq vì hai bên đều tránh đối đầu trực tiếp và Iran không đủ sức tham chiến theo nhận định của tiến sĩ Thierry Coville ở Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Pháp (IRIS).

Mỹ và Iran nếu có đụng độ thì là ở... Iraq - Ảnh 1.

1. Biểu tình ở Baghdad từ ngày 1-10-2019 đòi cải cách xã hội và tố cáo Iran can thiệp - Ảnh: AFP

Ngày 5-1-2020, Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết không mang tính chất ràng buộc kêu gọi chính phủ Iraq nỗ lực chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Iraq và cấm quân đội nước ngoài sử dụng đất đai, không phận hoặc nguồn nước vì bất kỳ lý do gì.

Tuy nhiên, như tiến sĩ Thierry Coville nhận xét, Iraq không có cách nào để yêu cầu Mỹ rời đi vì Iraq không thể tách rời viện trợ quân sự phương Tây và Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác với Iraq quy định sự hiện diện của 5.200 lính Mỹ tại Iraq.

Từ chiến tranh đến bất ổn và khủng hoảng 

Chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ ở Iraq nhằm lật đổ Tổng thống Saddam Hussein năm 2003 tuy thành công nhưng đã phát động cuộc nội chiến kinh hoàng ở Iraq trong bối cảnh hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite cạnh tranh khốc liệt.

Iran đã tận dụng tình hình bất ổn đó ở Iraq để tăng cường ảnh hưởng của Iran ở Iraq suốt 17 năm qua.

Sau khi các binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi Iraq ngày 18-12-2011, Washington vẫn tiếp tục theo sát diễn biến chính trị ở Iraq.

Mỹ và Iran nếu có đụng độ thì là ở... Iraq - Ảnh 2.

2. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei (phải) tiếp Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi ở Tehran ngày 6-4-2019 - Ảnh: AP

Những tháng cuối năm 2019, Iraq rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Từ ngày 1-10-2019, hàng ngàn người Iraq xuống đường biểu tình đòi cải thiện dịch vụ công và việc làm đồng thời tố cáo các thế lực nước ngoài can thiệp vào Iraq, đặc biệt là Iran.

Phong trào biểu tình muốn thủ tiêu tình trạng chia rẽ bè phái, sửa đổi Hiến pháp năm 2005 để loại trừ giai cấp chính trị chia phe chia cánh núp bóng Iran.

Biểu tình từ nhỏ đã phát triển thành phong trào quần chúng đòi lật đổ chế độ. Chính phủ và các lực lượng dân quân thân Iran đã đáp trả bằng bạo lực không cân xứng làm hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương.

Để đáp trả, những người biểu tình đã tấn công văn phòng các đảng chính trị và các lực lượng dân quân  cũng như các lãnh sự quán Iran ở Kerbala và Nadjaf.

Dưới sức ép biểu tình, Thủ tướng Adel Abdul Mahdi phải từ chức vào cuối tháng 11-2019 nhưng vẫn điều hành công việc.

Nhà nghiên cứu Harith Hasan thuộc Trung tâm Carnegie Trung Đông (Libăng) ghi nhận sắp tới đâu cũng vào đó vì các nhóm chính trị đưa Adel Abdul Mahdi lên cầm quyền vẫn nắm quyền chỉ định thủ tướng mới và xác định quỹ đạo phát triển đất nước năm 2020.

Mỹ và Iran nếu có đụng độ thì là ở... Iraq - Ảnh 3.

3. Cuối năm 2019, máy bay Mỹ không kích trụ sở lực lượng dân quân Kataeb Hezbollah gần biên giới Iraq-Syria và tiêu diệt 25 tay súng - Ảnh: REUTERS

Bất đồng gia tăng cũng vì Iran  

Từ mùa thu năm 2019, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran tại Iraq. Sau vài lần bắn pháo và không kích qua lại giữa các lực lượng dân quân thân Iran và Mỹ, lực lượng dân quân Iraq tấn công đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Đến ngày 3-1-2020, máy bay không người lái Mỹ ám sát tướng Qasem Soleimani của Iran tại Baghdad.

Thủ tướng đã từ chức Adel Abdul Mahdi bèn lên tiếng tố cáo Mỹ vi phạm trắng trợn các điều kiện về sự hiện diện của Mỹ tại Iraq.

Nhà sử học Pierre-Jean Luizard - giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), nhận định Mỹ không lường trước ám sát tướng Soleimani sẽ hủy hoại phong trào biểu tình phản đối chính phủ Iraq và Iran trong ba tháng qua.

Phong trào này rồi sẽ không còn dám chống phe thân Iran vì có nguy cơ bị buộc tội làm tay sai cho Mỹ. Và từ nay mọi người dân sẽ siết chặt hàng ngũ xung quanh Iran. Vài dấu hiệu ban đầu đã xuất hiện.

Giáo chủ Ali al-Sistani đứng đầu dòng Shiite ở Iraq đã lên tiếng ủng hộ các lực lượng dân quân thân Iran mà trước đó ông từng chỉ trích gay gắt vì trấn áp biểu tình bằng bạo lực.

Muqtada al-Sadr từng chỉ huy tổ chức đạo quân Mahdi đã từng gieo rắc kinh hoàng cho lính Mỹ ở Iraq và đã bị giải tán từ 10 năm nay. Trước đó Muqtada al-Sadr chỉ trích chính phủ Iraq thân Iran. Hôm 3-1 vừa qua, ông ra lệnh cho các tay súng đạo quân Mahdi sẵn sàng hành động chống Mỹ.

Rồi Iraq sẽ trở thành chiến trường giữa Iran và Mỹ. Và người Mỹ phải lựa chọn giữa hai con đường. Một là cay đắng rời khỏi Iraq và hai là ở lại Iraq để rồi phải đối mặt với nguy hiểm.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran: Những câu hỏi Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran: Những câu hỏi Ông Trump dọa trừng phạt Iraq "nhiều hơn cả Iran" nếu buộc Mỹ rút quân Ông Trump dọa trừng phạt Iraq 'nhiều hơn cả Iran' nếu buộc Mỹ rút quân Mỹ diệt tướng Iran do muốn ngăn chặn thao túng ở Iraq? Mỹ diệt tướng Iran do muốn ngăn chặn thao túng ở Iraq?
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên