Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ không gửi các quan chức chính quyền đến dự Olympic mùa đông 2022 và Paralympic Bắc Kinh - Ảnh: AFP
Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki nói với báo chí: "Chính quyền sẽ không cử bất kỳ đại diện ngoại giao hoặc đại diện chính thức nào tới Thế vận hội mùa đông 2022 và Thế vận hội VĐV khuyết tật (Paralympic) Bắc Kinh do các tội ác diệt chủng và chống lại loài người ở Tân Cương cùng các hành vi vi phạm nhân quyền khác".
Thông tin này được đưa ra vài giờ sau khi Trung Quốc lên tiếng về việc sẽ trả đũa nếu Mỹ tẩy chay ngoại giao Olympic mùa đông Bắc Kinh xuất phát từ bản tin đăng trên Đài CNN ngày 5-12 là chính quyền của ông Joe Biden sẽ sớm thông báo việc quan chức Chính phủ Mỹ sẽ không tham dự Thế vận hội.
Theo bà Psaki, sự hiện diện của quan chức chính thức hoặc quan chức ngoại giao của Mỹ đồng nghĩa với việc xem những vi phạm này là bình thường. "Chúng tôi chỉ đơn giản là không thể làm như vậy", bà nói.
Theo Hãng tin Reuters, mặc dù có các nỗ lực gần đây nhằm ổn định quan hệ Mỹ - Trung, động thái này chắc chắn sẽ làm căng thẳng thêm quan hệ của hai bên.
Về việc đội Mỹ tham dự Thế vận hội, bà Psaki nói các vận động viên sẽ nhận được sự ủng hộ đầy đủ và sẽ nhận được sự cổ vũ từ quê nhà.
Ngoại trưởng Antony Blinken còn cho biết Mỹ đang tham khảo ý kiến của các đồng minh về "cách tiếp cận chung" với Thế vận hội Bắc Kinh. Không rõ liệu các nước đồng minh có thể hiện sự đoàn kết với Mỹ trong vấn đề này hay không.
Theo Reuters, sau thông báo của Mỹ, Bộ Ngoại giao Canada ra tuyên bố cho biết: "Canada vẫn rất lo lắng trước những báo cáo đáng lo ngại về vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Chúng tôi đã được thông báo về quyết định của Mỹ và chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này với các đối tác và đồng minh của mình".
Trong một phản ứng đầu tiên, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, ông Liu Pengyu khẳng định quyết định trên của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến việc Trung Quốc tổ chức thành công sự kiện thể thao này.
Còn Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tuyên bố tổ chức này tôn trọng quyết định của Mỹ. Tổ chức này nêu rõ sự hiện diện của các quan chức chính phủ và các nhà ngoại giao là một quyết định chính trị thuần túy đối với mỗi chính phủ và IOC tôn trọng quyết định này với tư cách là một tổ chức hoàn toàn trung lập về chính trị.
Ông Neal Pilson - cựu chủ tịch của kênh thể thao của Đài CBS, người liên quan đến các thỏa thuận mua bản quyền phát sóng truyền hình - nhận định việc tẩy chay ngoại giao này đặt các nhà tài trợ cho Olympic vào "thế khó xử".
Trước đó, trong ngày 6-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho rằng những người kêu gọi tẩy chay Thế vận hội 2022 đã hành xử quá đà, và khuyên họ dừng lại "để không ảnh hưởng đến đối thoại và hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng".
Ông khẳng định: "Nếu Mỹ cố ý thực hiện chủ trương này, Trung Quốc sẽ có các biện pháp đối phó kiên quyết".
Mỹ sẽ tổ chức Thế vận hội vào năm 2028 tại Los Angeles. Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc Trung Quốc có thể phản ứng như thế nào trước mắt.
Về lùm xùm tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa đông 2022 và Paralympic Bắc Kinh, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từng lên tiếng mỉa mai "Mỹ được mời chưa" mà đòi tẩy chay đại hội thể thao toàn cầu này.
Theo thông lệ, Ủy ban Olympic nước chủ nhà sẽ mời các lãnh đạo nước ngoài tới dự lễ khai mạc Thế vận hội.
Bà Hoa cũng khẳng định các cáo buộc về nhân quyền ở Tân Cương là dối trá nhưng "các hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Mỹ là sự thật".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận