Tổng thống Trump trong cuộc họp báo về Trung Quốc tại Nhà Trắng sáng 30-5, giờ Việt Nam - Ảnh: REUTERS
Trung Quốc đã hoàn toàn kiểm soát WHO bất kể họ chỉ trả 40 triệu USD mỗi năm, so với những gì Mỹ đang đóng góp, khoảng 450 triệu USD một năm.
Tổng thống Donald Trump nói hôm 30-5.
Các biện pháp này gồm 3 điểm nóng đáng chú ý: Mỹ sẽ cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sẽ tiến hành các bước tước bỏ quy chế đối xử đặc biệt dành cho Hong Kong và ngừng cấp thị thực cho học viên/nhà nghiên cứu Trung Quốc nghi phục vụ chính quyền Trung Quốc.
Bước ngoặt quan trọng
WHO là tâm điểm trong màn khẩu chiến Mỹ - Trung về dịch bệnh COVID-19 suốt nhiều tháng nay. Tổng thống Trump tại họp báo hôm 30-5 một lần nữa cáo buộc WHO "là con rối" của Trung Quốc.
Nhưng diễn biến đáng chú ý hơn là việc người đứng đầu Nhà Trắng xác nhận chính quyền Mỹ sẽ tiến hành các bước tước quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong. Đây là diễn biến xuất phát từ sự kiện Trung Quốc thông qua nghị quyết mở đường soạn thảo dự luật an ninh Hong Kong.
Tuyên bố của ông Trump đánh vào nỗi bất an cho giới đầu tư ở Hong Kong. Một số phân tích sơ bộ ít nhất cho thấy nếu Hong Kong bị tước quy chế đặc biệt, điều này đồng nghĩa Hong Kong sẽ không được miễn trừ thuế nhập khẩu tăng cao mà Mỹ đang áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Thực tế, thương mại chỉ là một mảng nhỏ trong mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Hong Kong. Nhiều ý kiến cũng cho rằng tác động từ tuyên bố của ông Trump tới tình hình Hong Kong là câu chuyện đường dài. Nhưng theo đánh giá của CNBC, cách phản ứng của ông Trump với Hong Kong - cụ thể khả năng chấm dứt quy chế đặc biệt - là kịch bản tệ nhất cho giới đầu tư.
Và quan trọng hơn, những tuyên bố như vậy tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung, "đánh dấu việc chấm dứt cách tiếp cận thận trọng của ông Trump với Trung Quốc".
Diễn biến bất ngờ
Trong một diễn biến đi ngược lại với suy đoán của nhiều người, sau cuộc họp báo của ông Trump, chứng khoán Mỹ tăng điểm khi chốt phiên giao dịch ngày thứ sáu (29-5, giờ địa phương), đảo ngược các phiên giảm trước đó.
Điều này phản ánh một thực tế rằng bất chấp một số thông tin giật gân trên mặt báo, giới đầu tư đã thở phào nhẹ nhõm khi hóa ra ông Trump không mang tới bất ngờ nào gây chấn động như lo ngại.
Cụ thể, điều giới đầu tư lo âu nhất chính là khả năng Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" với Trung Quốc hoặc thậm chí áp lệnh trừng phạt mới lên Trung Quốc. Cả hai điều này đã không xảy ra.
Trên thực tế, cả 3 vấn đề WHO, học viên Trung Quốc ở Mỹ hay Hong Kong đều là các chủ đề được nhấn nhá trước đó nhiều ngày. Vì vậy, nó hoàn toàn nằm trong dự đoán của cả Trung Quốc lẫn giới đầu tư. Chưa kể, báo chí Mỹ cũng chuẩn bị sẵn các bài phân tích về khả năng thực hiện trong các tuyên bố của ông Trump.
Lấy ví dụ nếu muốn rút Mỹ khỏi WHO, một số chính trị gia Mỹ tin rằng ông Trump cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ để hành động. Một số khác cho biết ông Trump có quyền rút Mỹ khỏi bất kỳ hiệp ước nào, tuy nhiên về mặt luật quốc tế, WHO lại không có điều khoản... cho phép rút.
Vì vậy, có khả năng ông Trump bị đòi hỏi phải thông báo trước 12 tháng tính tới khi Mỹ chính thức rút. Tương tự, để hủy cơ chế đặc biệt của Hong Kong, nội bộ Mỹ sẽ còn xem xét nhiều yếu tố từ pháp lý cho tới lợi ích kinh tế.
Chưa "cạn tàu ráo máng"
Vấn đề quan trọng là tại sao ông Trump lại chọn thời điểm này để ra tuyên bố. Đề cập điều này, dư luận Mỹ có phần nghiêng về khả năng ông Trump chuyển sự chú ý sang Trung Quốc để phục vụ lợi ích chính trị.
Về ngắn hạn, yếu tố Trung Quốc có thể giúp khỏa lấp phần nào vụ bạo động sau khi cảnh sát làm chết người da màu ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Minnesota là nơi ông Trump đang có tỉ lệ ủng hộ thấp hơn một chút so với ứng viên tranh cử tổng thống 2020 Joe Biden bên Đảng Dân chủ.
Xa hơn, ông Trump đang cố gắng tìm sự cân bằng trong vấn đề Trung Quốc. Hiện nay, thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vẫn là một trong những lời hứa tranh cử quan trọng của ông Trump, nên rất nhiều khả năng xung đột Mỹ - Trung sẽ không đi tới mức độ "cạn tàu ráo máng".
Nhưng ngược lại, ông Trump được cho là phải khai thác tối đa tâm lý chống Trung Quốc nơi cử tri Mỹ. Điều này đặc biệt quan trọng và thậm chí có phần thực dụng, khi đối thủ Biden đang chịu áp lực không nhỏ từ các cáo buộc nói ông này thân thiện với Trung Quốc.
Tóm lại, có khả năng chính quyền ông Trump sẽ không lùi bước trước Trung Quốc, nhưng nếu tiến lên cũng sẽ chừng mực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận