Phó thủ tướng Lưu Hạc (giữa) tươi cười trong ngày đàm phán thương mại Mỹ - Trung đầu tiên 10-10 tại Washington - Ảnh: Reuters
"Tôi sẽ nói là tôi nghĩ mọi chuyện diễn ra rất thuận lợi. Chúng tôi đàm phán rất, rất tốt với Trung Quốc" - hãng tin AFP ngày 11-10 dẫn lời ông Trump. Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết cuộc đàm phán diễn ra "tốt đẹp hơn dự kiến". Tuy nhiên, giới phân tích vẫn chỉ dám hi vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận hẹp.
Ngoại giao ẩm thực
Theo tờ South China Morning Post của Hong Kong, ông Lưu Hạc và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã cùng ăn trưa giữa cuộc đàm phán kéo dài hơn tám giờ ngày 10-10. Thay vì gọi thức ăn khác nhau như những lần trước, cả hai cùng gọi thức ăn từ một cửa hàng đồ ăn Mỹ tại Washington, một kiểu "ngoại giao ẩm thực" mà theo phía Trung Quốc là nhằm thể hiện mong muốn tìm thấy tiếng nói chung.
Nhà đàm phán Trung Quốc sau đó rời cuộc họp với một nụ cười.
Đến cuối ngày, sau khi ông Trump và giới chức Mỹ đưa ra những nhận xét đầy lạc quan về ngày đàm phán thứ nhất, Nhà Trắng cũng xác nhận tổng thống Mỹ sẽ gặp ông Lưu vào 14h45 ngày 11-10 giờ địa phương, tức 1h45 ngày 12-10 giờ Việt Nam. Thông tin dập tắt những lo ngại đoàn đàm phán Trung Quốc sẽ bỏ về sớm hơn dự kiến và lập tức tạo động lực cho thị trường chứng khoán châu Á và thế giới đồng loạt tăng điểm trong ngày 11-10.
Các diễn biến tích cực bắn đi tín hiệu cải thiện trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài 15 tháng qua, sau khi Washington liệt một số công ty công nghệ của Trung Quốc vào "danh sách đen", chịu các biện pháp trừng phạt của Washington.
Vài ngày trước cuộc đàm phán, Mỹ tuyên bố quyết áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 250 tỉ USD từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đặt chân đến Washington, ông Lưu khẳng định Bắc Kinh bước vào đàm phán với sự chân thành và sẵn sàng hợp tác với phía Mỹ.
Thỏa thuận không đầy đủ
Đến nay, giới quan sát vẫn hi vọng vào khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra các nhượng bộ nhằm đạt được thỏa thuận không đầy đủ tại cuộc đàm phán lần này. "Tôi tin là thậm chí có khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận về tiền tệ trong tuần này. Tôi nghĩ nó có thể dẫn đến việc chính quyền Mỹ không tăng thuế nhập khẩu (đối với hàng hóa Trung Quốc) vào ngày 15-10" - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Thương mại toàn quốc của Mỹ Myron Brilliant nhận định.
Trong khi đó, một số ý kiến vẫn dè dặt. "Tôi nghĩ Trung Quốc đang tìm kiếm đình chiến thương mại. Tại thời điểm này, chưa rõ sẽ có bất cứ đột phá lớn nào hay không (nhưng) Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép Washington định đoạt chính sách của Trung Quốc" - Einar Tangen, cựu cố vấn kinh tế của chính phủ Trung Quốc, nói.
Dự đoán về thỏa thuận hai bên có thể đạt được sau cuộc đàm phán này, tờ Financial Times cho biết thỏa thuận ít nhất sẽ giúp ngăn được việc Mỹ thực hiện tăng thuế nhập khẩu lên đến 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-10, và nếu thuận lợi có thể chặn được các đòn thuế có hiệu lực trong tháng 12-2019. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ hủy các đòn thuế trả đũa và tăng cường mua nông sản của Mỹ.
Về tiền tệ, một điều khoản ngăn Trung Quốc tiếp tục hạ giá đồng tiền được tiếp tục đưa ra bàn đàm phán lần này, dù giới phân tích vẫn đặt câu hỏi về tính ràng buộc của điều khoản này.
Trong khi đó, Mỹ cũng sẽ khó phớt lờ vấn đề sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hàng loạt công ty Mỹ phàn nàn về việc bị buộc giao nộp công nghệ cho Trung Quốc. Ông Brilliant nhận định một số vấn đề sở hữu trí tuệ của thế kỷ 20 có thể được dàn xếp trong thỏa thuận hẹp nhưng không bao gồm các vấn đề của thế kỷ 21 như an ninh mạng, dòng chảy dữ liệu...
Căng thẳng Trung Quốc - NBA hạ nhiệt
Theo AFP, truyền thông Trung Quốc đột ngột ngừng đả kích Hiệp hội Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) sau nhiều ngày làm ầm ĩ về việc NBA và Tập đoàn công nghệ Apple ủng hộ những người biểu tình ở Hong Kong. "Tôi nghĩ vấn đề sẽ dần dần hạ nhiệt. Tôi cũng hi vọng phía Mỹ không làm căng thêm" - New York Times dẫn lời biên tập cấp cao của tờ Thời Báo Hoàn Cầu đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận