Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (giữa) trong cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 28-4 - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt mới sẽ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thông qua. Hiện vẫn chưa rõ nội dung cụ thể cũng như các biện pháp trừng phạt được Mỹ và Trung Quốc thảo luận.
Bắc Kinh gần đây đã ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) lên án chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên trong khi Nga bỏ phiếu chống.
Người phát ngôn của phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hiệp Quốc ngày 2-5 cho biết đang tìm kiếm và xem xét các biện pháp đáp trả khả dĩ trước các hành động "khiêu khích HĐBA của Triều Tiên". Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 28-4 đã kêu gọi HĐBA nên sớm hành động trước khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 6.
Trước đây, Liên Hiệp Quốc thường tỏ ra bị động, chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt và tăng cường nó sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa, Reuters nhận định.
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên hồi đầu tháng 9-2016, HĐBA đã mất tới 3 tháng để đàm phán, đưa ra các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng trong đó chủ yếu nhắm vào cấm các mặt hàng xuất khẩu đem lại ngoại tệ cho Triều Tiên.
Thực tế, các cuộc thảo luận trừng phạt Triều Tiên giữa Mỹ và Trung Quốc không phải mới. Bắc Kinh được xem là quốc gia gần gũi nhất của Bình Nhưỡng ở thời điểm hiện tại. Chính quyền Washington xem Bắc Kinh là chìa khóa để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, bất chấp có nhiều chỉ dấu cho thấy sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại Triều Tiên đã suy giảm kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên cầm quyền cuối năm 2011.
Theo Reuters, trong các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên trước đây tại HĐBA, Mỹ và Trung Quốc cũng thường thảo luận trước khi đưa vấn đề ra thảo luận chung tại HĐBA gồm 15 thành viên. Theo các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc, hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đưa nghị quyết trừng phạt Triều Tiên ra thảo luận tại HĐBA.
Giới quan sát nhận định, Mỹ một mặt muốn bắt tay với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, mặt khác tiếp tục mong muốn chiếm ưu thế chiến lược trước Trung Quốc, cụ thể ở đây là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được Washington triển khai tại Hàn Quốc.
Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối Washington đưa THAAD tới Hàn Quốc, kêu gọi Mỹ rút nó ngay lập tức do lo ngại sẽ bị mất ưu thế song Washington khẳng định việc đưa THAAD là giữ vững cam kết bảo vệ đồng minh trước tên lửa của Triều Tiên trong tương lai. Hiện THAAD đã bắt đầu đi vào hoạt động và sẽ vận hành đầy đủ trong vài tuần tới, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận