Theo thông báo của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, các đợt trừng phạt này do Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ ban hành, áp lên hơn 120 tổ chức, cá nhân tại hơn 20 quốc gia và cả những bên "tạo điều kiện cho việc né tránh trừng phạt".
"Mỹ sẽ tiếp tục có hành động chống lại Nga và những người ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, bao gồm việc tiếp tục thực hiện cam kết của G7 trong việc khiến mang tới hậu quả nghiêm trọng cho các tác nhân ở nước thứ ba ủng hộ cuộc chiến của Nga tại Ukraine", ông Blinken thông báo.
Trong một thông báo riêng, Bộ Tài chính Mỹ nói đã áp trừng phạt lên những công ty/tổ chức hỗ trợ tài chính và giúp né trừng phạt cho Nga.
Các đối tượng bị trừng phạt bao gồm công ty và cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, công ty trụ sở ở Trung Quốc…
Mỹ và đồng minh đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên Nga từ lúc Matxcơva khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine cách đây hơn một năm.
Trong thời gian qua, phương Tây cũng tiến hành trừng phạt các cá nhân và tổ chức hỗ trợ đối tượng né trừng phạt.
Trong động thái tương tự ngày 12-4, Bộ Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh & Bắc Ireland (FCDO) cho biết các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào những cá nhân đã giúp hai tỉ phú Roman Abramovich và Alisher Usmanov tránh được nhiều hệ lụy từ việc rơi vào danh sách trừng phạt tài chính.
Về phần Mỹ, đợt trừng phạt mới nhất này nhắm tới công ty quân sự tư nhân Patriot. Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá Patriot có mối liên hệ với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, và cạnh tranh với nhóm lính đánh thuê Wagner - tổ chức cũng đang giúp Nga ở Ukraine.
Cùng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ có công ty HEAD Aerospace Technology của Trung Quốc, chuyên cung cấp hình ảnh vệ tinh mà phía Mỹ cho rằng được dùng để cung cấp hình ảnh vệ tinh tại Ukraine.
Công ty trụ sở Bắc Kinh này cũng bị cho có quan hệ với lãnh đạo Yevgeny Prigozhin của Wagner.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết lệnh trừng phạt nhắm tới 5 tổ chức và 1 cá nhân bị xem có phần liên quan tới công ty năng lượng nguyên tử Nga Rosatom.
Mỹ cáo buộc Rosatom dùng xuất khẩu năng lượng để gây áp lực kinh tế và chính trị lên khách hàng. Tuy nhiên bản thân Rosatom chưa dính lệnh trừng phạt nào của Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận