Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) hội quân với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz trên biển Philippines ngày 23-6, đánh dấu lần thứ hai kể từ năm 2018 hai tàu sân bay Mỹ hiệp đồng chỉ huy tại khu vực - Ảnh: US NAVY
Một tuần sau đó, 3 tàu sân bay Mỹ hội quân trên biển Philippines, tại một khu vực gần cửa ngõ Biển Đông. Bên trong vùng biển kín gần 3,5 triệu km2 này, hải quân Mỹ lần lượt tập trận với Nhật Bản và Singapore.
Trên không, các loại máy bay săn ngầm hiện đại nhất của Mỹ quần thảo eo Ba Sĩ, có lúc tiến đến gần quần đảo Đông Sa, nơi chỉ cách Hong Kong khoảng 300km.
Trung Quốc lập tức đáp trả bằng một cuộc tập trận tại khu vực nước này đã xây dựng hệ thống cảm biến dày đặc kể từ năm 2016.
Cục an toàn hàng hải Trung Quốc ngày 27-6 ra thông báo ngang ngược cấm tàu thuyền qua lại vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 1 đến 5-7 với lý do: tập trận quân sự.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngay sau đó đã lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh chớ nên xem Biển Đông mặc nhiên là vùng biển chịu ảnh hưởng và sự kiểm soát của Trung Quốc.
Đây là lần thứ 4 trong vòng 3 tháng qua Trung Quốc công khai tập trận trên Biển Đông. Hồi tháng 4 năm nay, một nhóm tàu chiến của Trung Quốc do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông tập trận. Một biên đội tàu khu trục Trung Quốc đã tập trận tại một khu vực không xác định vào cuối tháng 5 và giữa tháng 6.
Thông báo của Trung Quốc về cuộc tập trận quy mô lớn dài 5 ngày trên Biển Đông - Ảnh chụp màn hình
Tần suất các cuộc tập trận của Mỹ và Trung Quốc trong tháng 6 khiến giới quan sát ví von cả hai dường như đang nắn gần nhau bằng tập trận quân sự.
Sự xuất hiện cùng lúc của 3 tàu sân bay Mỹ ở biển Philippines, tại một khu vực gần cửa ngõ Biển Đông là điều rất hiếm xảy ra. Kể từ năm 2001 đến nay, các tàu sân bay Mỹ thi thoảng vẫn hiệp đồng chỉ huy tại khu vực nhưng với thời gian giữa hai lần có khi lên tới 6, 7 năm.
Ấy vậy mà điều đó đã xảy ra trong vòng chưa đầy hai tuần qua trên biển Philippines, khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz lần lượt phối hợp phô diễn sức mạnh với USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan.
Một quân nhân Mỹ tiết lộ các cuộc tập trận không chỉ đơn thuần kiểm tra độ tin cậy của vũ khí mà còn bao gồm những bài huấn luyện chuẩn bị tinh thần cho các phi công và thủy thủ nếu gặp phải tàu ngầm, máy bay "lạ" ngăn cản, khiêu khích.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS Asheville thuộc lớp Los Angeles được huy động làm "quân xanh" cho soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 Mỹ trong một cuộc tập trận ngày 14-6 trên biển Philippines. Hạm trưởng USS Blue Ridge, ông Craig Sicola, nhấn mạnh đây là cơ hội để các thủy thủ trên tàu làm quen với tình huống một tàu ngầm "lạ" xuất hiện. "Các cuộc tập trận như thế này giúp chúng tôi sẵn sàng trong tình huống chạm trán tàu ngầm", một sĩ quan trẻ phát biểu - Ảnh: US NAVY
Nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong lúc di chuyển đến điểm hẹn vẫn tiến hành diễn tập. Trong ảnh: trực thăng MH-60S Sea Hawk thuộc USS Theodore Roosevelt bay sát mặt biển trong một cuộc tập trận ngày 19-6 với tình huống giả định kẻ thù rải thủy lôi trên biển Philippines - Ảnh: US NAVY
Trong lúc đó, bên trong Biển Đông, Mỹ tiến hành diễn tập với khinh hạm RSS Supreme (73) của Singapore, một trong những khinh hạm tàng hình hiện đại nhất Đông Nam Á. Trong ảnh: tàu chiến Singapore phối hợp với tàu tiếp tế đạn được USNS Carl Brashear của hải quân Mỹ - Ảnh: US NAVY
Trung Quốc lập tức trả lời bằng cuộc tập trận của 4 tàu khu trục và khinh hạm mang tên lửa dẫn đường tại một khu vực không xác định của Biển Đông. Trong ảnh: khinh hạm Hành Dương (phải) di chuyển với tàu khu trục Vũ Hán - Ảnh: CHINA MIL
Hệ thống vũ khí trên tàu Hành Dương khai hỏa trong cuộc tập trận ngày 18-6 trên Biển Đông - Ảnh: CHINA MIL
Ngày 21-6, nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hội quân với nhóm tàu USS Nimitz Carrier trên biển Philippines và có màn phô diễn sức mạnh khi di chuyển chặt chẽ theo đội hình vào ngày 23-6 - Ảnh: US NAVY
Tàu khu trục USS Russell (DDG-59) với khả năng mang theo hơn 100 tên lửa, trong đó có Tomahawk, cũng tham gia đội hình. Việc các tàu sân bay Mỹ hiệp đồng chỉ huy trên biển không phải hiếm nhưng tại châu Á, điều này thi thoảng mới diễn ra với thời gian cách nhau ít nhất 6 năm - Ảnh: US NAVY
Hai tàu sân bay Mỹ được bảo vệ bởi 5 tàu khu trục và tuần dương có sức mạnh như USS Russell cùng hàng trăm máy bay mang theo - Ảnh: US NAVY
Trong cùng ngày hai tàu sân bay Mỹ thể hiện sức mạnh trên biển Philippines, bên trong Biển Đông, tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords bắt đầu diễn tập với hai tàu huấn luyện thuộc Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) - Ảnh: US NAVY
Phía Nhật Bản nhấn mạnh cuộc diễn tập đã giúp các sĩ quan tương lai của họ tăng cường kiến thức về chiến thuật phối hợp với hải quân Mỹ trên Biển Đông. Trong ảnh: thủy thủ trên tàu huấn luyện Nhật Bản đứng trên boong chào các đồng nghiệp trên tàu chiến Mỹ - Ảnh: JMSDF
Ngày 28-6, USS Nimitz (trái) tiếp tục di chuyển và hiệp đồng chỉ huy với USS Ronald Reagan trên biển Philippines, chỉ một tuần sau cuộc hội quân với USS Theodore Roosevelt. USS Ronald Reagan hiện là tàu sân bay tiền phương duy nhất của Mỹ - Ảnh: US NAVY
Tiêm kích F/A-18E Super Hornet thuộc tàu sân bay USS Ronald Reagan chuẩn bị cất cánh làm nhiệm vụ trên biển Philippines. Một sĩ quan làm nhiệm vụ trên máy bay săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ tiết lộ các phi công hải quân Mỹ đã được chuẩn bị tinh thần cho những vụ chạm trán tại châu Á, đặc biệt là Biển Đông. Họ được hướng dẫn cách xử lý "chuyên nghiệp và an toàn" nếu bị máy bay lạ khiêu khích hoặc cản trở trong không phận quốc tế - Ảnh: US NAVY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận