15/05/2019 16:27 GMT+7

Mỹ - Trung muốn gì, thương chiến sẽ đi về đâu?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Với những đòi hỏi chênh lệch được Mỹ - Trung đưa ra, giới chuyên gia nhận định thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới sẽ không kết thúc bằng một thỏa thuận làm vừa lòng hoàn toàn hai bên.

Mỹ - Trung muốn gì, thương chiến sẽ đi về đâu? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng 11-2017 - Ảnh: REUTERS

Ngọn lửa âm ỉ cháy trong cuộc chiến thương mại 1 năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc tưởng chừng đã được dập tắt với một thỏa thuận.

Tuy nhiên, chỉ vì hành động vào phút chót của Bắc Kinh mà theo Washington là "lật lọng các điều khoản cam kết", căng thẳng giữa hai bên vẫn tăng với những đòn thuế đáp trả nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tháng tới để giải quyết tình hình căng thẳng này. Nếu diễn ra, các cuộc đàm phán trong suốt những tuần tiếp theo trước cuộc gặp này sẽ xác định liệu việc đạt được một thỏa thuận là khả dĩ hay không.

Sau đây là những thứ muốn và những gì có thể xảy ra nếu hai bên không đạt được mục đích của mình:

Mỹ muốn gì?

Theo trang Politico, chiến thắng đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump là một thỏa thuận giúp giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh thay đổi các hành vi như: Ngăn hàng hóa xuất khẩu của Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc và yêu cầu các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc thì mới được làm ăn ở thị trường tỉ dân này.

Văn phòng đại diện thương mại Mỹ cũng đã chỉ trích các chính sách này của Bắc Kinh hồi năm ngoái, buộc chính quyền ông Trump phải áp thuế 25% lên số hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỉ USD vào thời điểm đó.

Phía Washington cáo buộc Trung Quốc tiến hành và hỗ trợ các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính của các công ty Mỹ để đánh cắp tài sản trí tuệ cùng các thông tin thương mại nhạy cảm khác.

Trung Quốc cũng được cho là đã hỗ trợ các công ty nước này ở Mỹ để có thể tiếp cận các công nghệ tiên tiến ở những lĩnh vực như hàng không, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo…

Mỹ cũng muốn Trung Quốc kiềm chế việc trợ giá quá mức nhằm tạo lợi thế cho các công ty nước này trong cuộc cạnh tranh với các công ty của Mỹ.

Mỹ - Trung muốn gì, thương chiến sẽ đi về đâu? - Ảnh 2.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong năm 2017 và 2018 - Đồ họa: TTO

Ông Trump muốn Trung Quốc tăng mua hàng hóa của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại với quốc gia Đông Bắc Á này, với mức thâm hụt kỷ lục 419 tỉ USD vào năm 2018. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng muốn Trung Quốc xóa bỏ các mức thuế trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ từ năm ngoái.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từng nói rằng Trung Quốc đưa ra cam kết mua thêm 1,2 ngàn tỉ USD hàng hóa từ Mỹ trong thời gian nhiều năm. Tuy nhiên, ông Trump được cho mong muốn một con số lớn hơn để "chào hàng" trong chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới.

Trung Quốc muốn gì?

Chiến thắng dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một thỏa thuận có thể loại bỏ hoặc giảm đáng kể mức thuế nhập khẩu 25% mà ông Trump áp lên số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỉ USD, đồng thời làm ổn định quan hệ kinh tế Trung - Mỹ mà không ảnh hưởng nhiều tới các chính sách của Bắc Kinh.

Nhà đàm phán hàng đầu của ông Tập, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, tuần trước cũng đã tiết lộ 3 ưu tiên của Trung Quốc: Thứ nhất, Mỹ phải bỏ thuế trừng phạt hiện tại nếu hai bên đạt thỏa thuận thương mại.

Thứ hai, số hàng hóa Trung Quốc mua thêm từ Mỹ phải "phù hợp với thực tế" và dựa trên sự đồng thuận mà ông Trump và ông Tập đã đạt được ở Argentina hồi tháng 12-2018. Thứ 3, thỏa thuận phải "cân bằng" và đảm bảo tự tôn dân tộc của Trung Quốc.

Tuy nhiên, vì yêu cầu của Mỹ lớn hơn của Trung Quốc nhiều, đây sẽ là cái khó cho các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên.

Sẽ đạt được thỏa thuận cùng có lợi?

Trong hầu hết các cuộc đàm phán thương mại, cả hai bên đều "chiến thắng" bằng việc tăng cường trao đổi buôn bán và đầu tư vào nhau.

Tuy nhiên, trong trường hợp thương chiến Mỹ - Trung, "thỏa thuận nhất thiết sẽ có nhiều yếu tố ‘có tổng bằng không’ (tức được mất ngang nhau)", chuyên gia Scott Kennedy đến từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định.

Chẳng hạn, một thỏa thuận yêu cầu Trung Quốc thay đổi luật và mở rộng thị trường với các nhà đầu tư nước ngoài có thể làm tổn hại các lợi ích của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Scott Kennedy cho rằng "vẫn có những lợi ích chung nếu bạn có cái nhìn xa trông rộng". Chẳng hạn cũng trong ví dụ trên, dù ban đầu Trung Quốc nếm "trầy xước", nước này sau đó sẽ có một môi trường cạnh tranh hơn có lợi cho các công ty nội địa có năng lực tốt.

Chuyện gì xảy ra nếu thế bế tắc tiếp tục?

Hiện nhiều ngành công nghiệp bị ảnh hưởng đã phàn nàn về các mức thuế đáp trả mà Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau. Những tiếng nói phản đối sẽ còn lớn hơn nếu cả hai tiếp tục tăng thuế lên nhau.

Nếu ông Trump không đạt thỏa thuận và cứ áp dụng mức thuế nhập khẩu cao như vậy, nhiều người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, theo trang Politico.

Nếu xảy ra thương chiến toàn lực, chuyện gì sẽ đến?

Nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ và ông Trump tăng thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, ông có thể làm chao đảo các thị trường, gây tổn thương lớn cho nền kinh tế Mỹ và mất chiếc vé tái đắc cử, theo Politico.

Tuy nhiên, ông Trump luôn diễn tả sự tự tin trong cách tiếp cận của mình. "Chúng ta (Mỹ) hiện ở một vị trí rất tốt và tôi nghĩ rằng nó chỉ có thể tốt hơn thôi. Chúng ta đang mang về hàng chục tỉ USD (từ thuế nhập khẩu) và nó đang tiến triển rất tốt".

Trong khi đó, Trung Quốc có thể sẽ tăng đòn trả đũa tối đa như tăng thuế nhập khẩu lên toàn bộ hàng Mỹ, không mua năng lượng…

Thận trọng trước thương chiến leo thang

TTO - Việt Nam đã tính tới kịch bản cả Mỹ và Trung Quốc cùng tăng thuế trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, những tác động của thương chiến chưa trực tiếp ngay đối với VN nhưng nó đã tạo ra một bầu không khí nhiều bất định, cần tiếp tục theo dõi.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên