Bà Yellen đến Bắc Kinh vào chiều 6-7 và có loạt cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo Trung Quốc một ngày sau đó. Là một người có chuyên môn sâu về kinh tế hơn là một chính trị gia, bà Yellen được Trung Quốc đón chào với tâm lý cởi mở hơn. Song không vì thế mà chuyến đi của bà sẽ "dễ thở" hơn.
Phép thử quan trọng
Trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào chiều 7-7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đã cố gắng trấn an người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc. Bà nhấn mạnh Washington đang tìm kiếm một cuộc cạnh tranh lành mạnh với Bắc Kinh dựa trên các quy tắc công bằng có lợi cho cả hai nước hơn là theo cách tiếp cận "người thắng được tất cả".
Bộ trưởng Mỹ cũng bày tỏ hy vọng chuyến thăm của mình sẽ thúc đẩy các kênh liên lạc thường xuyên hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bà nói rằng Washington, "trong một số trường hợp nhất định, cần theo đuổi các hành động có mục tiêu để bảo vệ an ninh quốc gia của mình". Nhưng những bất đồng về những động thái như vậy không nên gây nguy hiểm cho mối quan hệ lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trước đó cùng ngày 7-7, bà Yellen đã gặp ông Lưu Hạc, cựu phó thủ tướng Trung Quốc phụ trách kinh tế và được xem là gần gũi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bà cũng gặp các quan chức tài chính Trung Quốc và trấn an cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc.
Chuyến đi của bà Yellen là một phần trong loạt chuyến thăm nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Quan hệ song phương nóng lên sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc và gần đây nhất là việc cả hai cùng siết chặt kiểm soát xuất khẩu hàng hóa trong chuỗi cung ứng.
Tờ New York Times nhận định chuyến công du đầu tiên của bà Yellen đến Trung Quốc sẽ là phép thử quan trọng đối với cách tiếp cận ôn hòa mà bà đã theo đuổi từ lâu. Trong chính quyền Joe Biden, bà Yellen kêu gọi đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Mỹ và thừa nhận rằng bảo vệ an ninh quốc gia là điều tối quan trọng.
Tuy nhiên, bà cũng là người ủng hộ duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, chống lại thuế quan, kêu gọi thận trọng đối với các hạn chế mới đối với đầu tư ở Trung Quốc và gần đây nhất là cảnh báo rằng việc tách rời hai nền kinh tế sẽ là "thảm họa".
Tiếng nói của lý trí
Chính quyền Joe Biden đang chuẩn bị các hạn chế bổ sung đối với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc và đầu tư của Mỹ vào quốc gia này. Mỹ cũng đang chuẩn bị hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty Trung Quốc vào các dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ.
Ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh trả đũa bằng thông báo sẽ hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng được sử dụng để sản xuất chip.
Trong bối cảnh đó, không có đột phá lớn nào được mong đợi sau chuyến đi của bà Yellen. Cả Mỹ và Trung Quốc dường như đã chấp nhận rằng việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia giờ đây quan trọng hơn là tăng cường quan hệ kinh tế.
Với phía Trung Quốc, việc đón tiếp bà Yellen cho thấy mong muốn ổn định quan hệ thương mại với Mỹ, đồng thời chuyển thông điệp đến các nhà cầm quyền ở Washington về sự sẵn sàng đáp trả của Bắc Kinh nếu Washington có thêm các biện pháp hạn chế mới.
Đối với bà Yellen, thách thức sẽ là thuyết phục những người đồng cấp Trung Quốc rằng hàng loạt biện pháp của Mỹ nhằm ngăn chặn việc tiếp cận công nghệ nhạy cảm, như chất bán dẫn, dưới danh nghĩa an ninh quốc gia không nhằm mục đích gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Điều đó sẽ không dễ dàng, khi cả hai nước tiếp tục dựng lên những rào cản mới đối với thương mại và đầu tư.
Trả lời New York Times, ông Michael Pillsbury, thành viên cấp cao về chiến lược Trung Quốc tại Heritage Foundation, tin rằng các quan chức Trung Quốc coi bà Yellen là tiếng nói của lý trí. Bắc Kinh hy vọng bà có thể thuyết phục những người khác trong chính quyền Biden rằng Mỹ nên ngừng ý định hạn chế đầu tư và dỡ bỏ thuế quan bổ sung có từ thời ông Donald Trump.
Kết quả lớn nhất được kỳ vọng trong chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen là giữ được các kênh liên lạc giữa Mỹ với Trung Quốc. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry dự kiến sẽ sớm đến Bắc Kinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận