Đại dịch COVID-19 đã gây ra những thiệt hại kinh tế chưa thể kiểm đếm tại nhiều nước, đặc biệt là châu Âu và Mỹ - những nơi chiếm tới 80% số ca nhiễm bệnh - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Trung Quốc cáo buộc phương Tây có động cơ chính trị trong vấn đề này.
Đại sứ Cheng Jingye vừa làm một điều tuyệt vời cho Úc. Ông ấy cuối cùng cũng đã lột mặt nạ và cho người Úc thấy thái độ thật của Chính phủ Trung Quốc đối với nước Úc.
Cây bút Peter Hartcher của tờ Sydney Morning Herald bình luận về những lời đe dọa của đại sứ Trung Quốc tại Úc.
Mỹ, Úc gia tăng áp lực
Trước câu hỏi Mỹ nghĩ gì về "hóa đơn" đòi Trung Quốc bồi thường 165 tỉ USD của nhật báo Bild ở Đức, Tổng thống Trump tuyên bố ông cũng sẽ làm điều tương tự. "Đức đang đánh giá sự việc và chúng tôi cũng đang nhìn lại mọi thứ. Nhưng người Mỹ đang nói về số tiền lớn gấp nhiều lần những gì người Đức đang thảo luận. Chúng tôi chưa xác định con số cuối cùng nhưng nó sẽ rất lớn" - ông Trump nói.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28-4, Tổng thống Trump cũng lần đầu tiên xác nhận Mỹ đang tiến hành "các cuộc điều tra nghiêm túc" nhắm vào Trung Quốc và theo tờ Politico, Mỹ có thể đã bắt đầu điều tra từ giữa tháng 4.
"Chúng tôi không hài lòng với Trung Quốc. Dịch bệnh đã có thể được ngăn chặn tại nguồn và không lan ra toàn thế giới. Có rất nhiều cách buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm" - ông Trump lập luận tại cuộc họp báo.
Các tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi Úc, một đồng minh của Mỹ, đối mặt với những lời đe dọa từ Trung Quốc rằng sẽ lãnh hậu quả kinh tế vì "học theo" Mỹ. Canberra trước đó đã hăng hái yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc và cách thức xâm nhập thế giới của virus corona chủng mới.
Lập luận chính của phương Tây lúc này là Trung Quốc đã giấu dịch, nói một nửa sự thật về virus corona chủng mới khiến các nước này gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Câu chuyện càng về sau càng thiên về trách nhiệm xử lý và yếu tố con người trong buổi đầu đại dịch hơn là chuyện virus là sản phẩm của tự nhiên hay nhân tạo.
Trung Quốc phản pháo
Lập trường của Bắc Kinh hiện vẫn không thay đổi: khẳng định nước này xử lý dịch một cách có trách nhiệm với thế giới, và phản pháo rằng những chỉ trích, cáo buộc của phương Tây mang động cơ chính trị.
Bắc Kinh đã bác bỏ và lên án mọi cuộc điều tra quốc tế về cách thức xử lý dịch ban đầu của nước này. Một bài xã luận trên Hoàn Cầu thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng sở dĩ Trung Quốc bị tổng công kích là do nước này đã chống dịch tốt hơn Mỹ và các nước phương Tây khác.
"Nếu Trung Quốc cùng thuyền cùng hội với các nước phương Tây và đang gồng mình đối phó đại dịch, có lẽ những nước này đã cảm thấy không có vấn đề gì. Nhưng Trung Quốc khác họ và đã chống dịch xuất sắc.
Mỹ đang cầm đầu trò chơi quy trách nhiệm cho Trung Quốc, đưa ra một ảo mộng rằng Bắc Kinh sẽ chấp nhận bồi thường để dụ dỗ thêm các quốc gia khác cùng tham gia như thể tất cả sẽ được hưởng lợi từ đó" - tờ báo có quan điểm diều hâu của Trung Quốc lập luận ngày 28-4.
South China Morning Post thuộc Alibaba của tỉ phú Trung Quốc Jack Ma cùng ngày đăng bài khẳng định quy định đảm bảo an toàn ở phòng thí nghiệm cấp độ P4 tại Vũ Hán là vô cùng nghiêm ngặt và không thể có sơ suất của con người.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh một ngày trước đó cũng lên Twitter kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo "ngừng trò chơi chính trị và để dành năng lượng nhằm cứu người", sau khi ông liên tục công kích Trung Quốc giấu dịch và kêu gọi cho điều tra viên quốc tế đến Viện virus học Vũ Hán.
"Kể từ lúc này Mỹ sẽ không nói điều gì tích cực về Trung Quốc. Họ có vài nước theo đuôi, như Úc. Nhưng những nước này sẽ chẳng thể làm gì Trung Quốc cả. Phương Tây có khả năng dẫn dắt dư luận nên mọi thứ sẽ không thể thay đổi ngay lập tức. Nhưng sự phát triển liên tục của Trung Quốc sẽ định hình lại dư luận quốc tế. Thời gian đứng về phía Trung Quốc" - Hoàn Cầu thời báo lạc quan chốt vấn đề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận