Dù Mỹ - Trung đạt thỏa thuận giai đoạn 1 nhưng xung đột cốt lõi về thương mại vẫn chưa được giải quyết - Ảnh: fairobserver
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 13-12, giờ Việt Nam, tuyên bố đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc.
"Chúng tôi đã nhất trí một thỏa thuận giai đoạn 1 rất lớn với Trung Quốc. Họ đã đồng ý với nhiều thay đổi về cấu trúc và mua số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và hàng chế biến, và nhiều hơn nữa" - Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Bắt tay vào giai đoạn 2
Ông cũng xác nhận sẽ hoãn áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-12 như dự kiến.
Dù vậy, ông Trump cho biết Washington sẽ giữ nguyên hai mức thuế 25% và 7,5% đối với lần lượt 250 tỉ USD và 120 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trong thời gian hai nước bước vào đàm phán giai đoạn 2.
Cùng lúc, Thứ trưởng thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cũng xác nhận thông tin đạt thỏa thuận giai đoạn 1 với Mỹ, cho biết thêm thỏa thuận sẽ củng cố bảo vệ sở hữu trí tuệ, mở rộng thị trường và bảo vệ quyền của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, vốn là những trọng tâm của Mỹ trong đàm phán.
"Chúng tôi sẽ bước vào đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 ngay lập tức thay vì chờ đến sau cuộc bầu cử (tổng thống Mỹ) 2020" - ông Trump tuyên bố. Tuy nhiên, theo ông Vương, việc đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 sẽ còn phụ thuộc vào việc triển khai giai đoạn 1.
Trước đó, theo một nguồn tin của Reuters, trong khi Mỹ hoãn đợt áp thuế 15% lên 160 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu và rút lại các khoản thuế bổ sung trước đó, Trung Quốc sẽ chấp nhận mua 50 tỉ USD hàng nông sản Mỹ trong năm 2020.
Số hàng hóa này được ước tính cao gấp đôi so với lượng nông sản Trung Quốc mua của Mỹ năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại nổ ra.
Dù vậy, khi được hỏi về tình hình của đàm phán thương mại với Mỹ hiện tại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không hề đả động tới việc đã đạt được thỏa thuận một phần hay bất cứ sự đồng thuận nào khác với Mỹ.
Về phía Mỹ, Reuters nhận định các quyết định liên quan mà ông Trump phải đưa ra sắp tới đang lọt thỏm giữa hoàn cảnh trớ trêu của cuộc bầu cử 2020 ở Mỹ.
Câu hỏi giới quan sát đặt ra là liệu tổng thống Mỹ có đánh cược vào việc gia tăng căng thẳng với Trung Quốc hay nghe theo các chủ doanh nghiệp và cố vấn của mình, những người quan tâm nhiều tới thị trường.
Phía phản đối chiến tranh thương mại đã liên tục cảnh báo tranh chấp leo thang sẽ khiến đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ không thể hồi phục trong năm 2020.
"Ác quỷ là chi tiết"
"Không một chút ngần ngại nào, tôi có thể khẳng định chưa từng thấy điều gì giống với những gì đang diễn ra hiện nay. Sự biến động, hỗn loạn, khó lường này trong thương mại quốc tế thực sự là chưa từng có trước đây.
Tôi không chỉ nói trong vòng 3 thập kỷ tôi làm việc về thương mại toàn cầu, mà trong 7 thập kỷ kể từ khi trật tự thương mại hiện đại được hình thành sau Thế chiến thứ 2" - chuyên gia nghiên cứu của Quỹ Hinrich Foundation, ông Stephen Olson, phát biểu trong một cuộc họp báo tại TP.HCM hôm 12-12.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Olson - nhà cựu đàm phán thương mại quốc tế và từng tham gia đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - cũng khẳng định bản thân ông tin chắc sự biến động và khó lường này đang trở thành một "sự bình thường mới", buộc cả thế giới phải học cách thích ứng theo.
Sau khi được hỏi liệu ý kiến của mình có thay đổi sau diễn biến mới nhất, ông Olson khẳng định rằng quan điểm của ông về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn không hề thay đổi.
"Ngày hôm trước tôi có nói rằng một thỏa thuận tạm thời "giai đoạn 1" sẽ rất khiêm tốn và chưa sâu. Thỏa thuận này chỉ giải quyết một phần nhỏ của những vấn đề dễ giải quyết trong tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc, để lại các vấn đề khó nhằn hơn. Vì thế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước mắt sẽ vẫn tiếp diễn" - ông Olson nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, các vấn đề căn cơ giữa Mỹ và Trung Quốc không thể giải quyết nhanh chóng. Ông giải thích đây là thách thức lớn về mặt hệ thống, khi 2 nền kinh tế vận hành theo 2 cách khác nhau phải cùng hòa giải vì cùng vận hành trong một hệ thống thương mại của thế giới.
Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc chưa đạt được thỏa thuận, họ chỉ mới "đồng thuận về nguyên tắc". Đây là "cách nói chuyện của những nhà đàm phán", nghĩa là chúng ta có thỏa thuận về các điểm chính nhưng vẫn phải làm việc về chi tiết.
"Trong bất cứ thỏa thuận thương mại nào, ác quỷ luôn là chi tiết" - ông Olson lưu ý.
Sự im lặng của Bắc Kinh
Thời Báo Hoàn Cầu (Global Times), thuộc quản lý của Nhân Dân Nhật Báo, hôm 13-12 chỉ trích Washington đã tiết lộ chi tiết đàm phán thương mại giữa hai nước.
Đăng tải trên Twitter, mạng xã hội bị cấm tại Trung Quốc đại lục, Global Times kêu gọi thế giới "bình tĩnh" giữa lúc Bắc Kinh chưa lên tiếng chính thức về thỏa thuận thương mại.
Theo Reuters, một số chuyên gia nghi ngờ thông tin Trung Quốc chấp nhận mua 50 tỉ USD nông sản của Mỹ. Điển hình, nhu cầu dành cho đậu nành của Trung Quốc đã giảm mạnh sau khi số đàn heo tại đây sụt giảm vì dịch tả châu Phi.
Đậu nành là một trong những loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc trọng yếu của Mỹ, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận