Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng phản đối ông Trump áp thuế nhập khẩu bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Kết quả công bố ngày hôm nay 19-6 cho thấy chỉ có 53% doanh nghiệp được hỏi lạc quan vào viễn cảnh tăng trưởng trong tương lai.
Con số 53% có nghĩa sự lạc quan vẫn nhiều hơn bi quan, trong bối cảnh chưa có bất kỳ tín hiệu chắc chắn nào từ các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là con số thấp nhất kể từ năm 2009, thời điểm cuộc khảo sát đầu tiên được tiến hành.
"Chỉ số lạc quan trong ba quý liên tiếp sụt giảm lớn cho thấy các doanh nghiệp đang ngày càng không chắc chắn về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Người ta đang cảm thấy lo lắng cho tương lai", ông Antonio Fatas - giáo sư kinh tế học tại trường INSEAD của Singapore nhận định.
Công ty Reuters, phối hợp với INSEAD, đã tiến hành cuộc khảo sát trên 95 công ty có trụ sở tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong số này có những cái tên lớn của khu vực như Tập đoàn Nikon của Nhật Bản, Samsung Electronics của Hàn Quốc, Tata và Reliance Industries Ltd của Ấn Độ cũng như PTT PCL của Thái Lan.
Đây cũng là quý thứ tư liên tiếp các công ty châu Á tiếp tục nhìn nhận cuộc chiến thương mại toàn cầu là rủi ro chính đối với kinh doanh, tiếp theo là Brexit (Anh rời EU) và cuối cùng là sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Lo sợ trước mức thuế nhập khẩu của Mỹ đánh vào hàng được sản xuất ở Trung Quốc, nhiều công ty đã chuyển nhà máy hoặc dây chuyền ra khỏi Trung Quốc.
Các nỗ lực chấm dứt thương chiến giữa hai nước đã rơi vào bế tắc kể từ tháng 5 vừa qua khiến tình hình căng thẳng trở lại. Động thái của Washington khi đưa Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh số 2 thế giới vào danh sách đen, càng khiến căng thẳng leo thang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Nhật trong tuần sau.
Tín hiệu lạc quan hiếm hoi này được kỳ vọng sẽ mở đường cho việc nối lại các cuộc đàm phán kết thúc thương chiến giữa hai nước.
Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia Manishi Raychaudhuri thuộc ngân hàng BNP Paribas, đừng trông mong một thỏa thuận cuối cùng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được chốt trong năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận