Tòa nhà Đại sứ quán Cuba tại Mỹ - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết quyết định trên được đưa ra sau các sự cố mà Mỹ coi là các cuộc "tấn công bằng sóng âm" làm ảnh hưởng sức khỏe 22 nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba. Quyết định này cũng đảm bảo "sự cân bằng" trong các hoạt động ngoại giao.
Bộ ngoại giao Mỹ cho biết đã tính toán số nhà ngoại giao Cuba bị trục xuất để đảm bảo hoạt động của đại sứ quán Cuba. Một số nguồn tin cho biết các nhà ngoại giao Cuba trên được yêu cầu rời khỏi Mỹ trong vòng bảy ngày.
Trước đó, Washington thông báo quyết định rút gần 60% nhân lực phái bộ ngoại giao của mình tại Havana và cảnh báo công dân Mỹ không nên tới Cuba, đồng thời ngừng các hoạt động cấp thị thực nhập cảnh thông thường tại Havana.
"Cho đến khi nào chính phủ Cuba đảm bảo được an toàn cho các nhà ngoại giao của chúng tôi ở Cuba, đại sứ quán của chúng tôi sẽ phải nhanh chóng giảm nhân lực để giảm đến mức tối đa số nhà ngoại giao chịu rủi ro bị tổn hại" - ông Tillerson thông báo.
Tuy nhiên ôngTillerson cho biết Washington sẽ vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Havana.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez ngay lập tức đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ quyết định "phi lý và mang tính chính trị" của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bộ Ngoại giao Cuba tố cáo quyết định trên là "không có căn cứ và không thể chấp nhận", cũng giống như tiền đề được Washington sử dụng để đưa ra quyết định này rằng La Habana không áp dụng mọi biện pháp phù hợp để ngăn chặn cái gọi là "các cuộc tấn công sóng âm" nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba.
Theo phía Mỹ, việc tấn công bằng sóng âm được xác định đã kéo dài trong vài tháng gần đây, khiến những người bị ảnh hưởng mất thính giác, thường xuyên chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi và khó ngủ.
Phía Cuba khẳng định không tiến hành bất cứ hành động nào gây tổn hại thể lực của các nhà ngoại giao nước ngoài và cho biết đã hợp tác điều tra vụ việc, nhưng cả hai bên chưa đưa ra được kết luận.
Mỹ và Cuba tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015, mở cửa trở lại Đại sứ quán tại Washington và La Habana, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng một số chính sách đối với Cuba của người tiền nhiệm Barack Obama.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba cũng kêu gọi Washington không tiếp tục chính trị hóa sự việc, mà theo ông, có thể dẫn tới tình trạng leo thang không mong muốn và đẩy lùi hơn nữa mối quan hệ song phương, vốn đã trong tình trạng bất thường sau tuyên bố ngày 16-6 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc thay đổi chính sách đối với Havana.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận