Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin (trái) trong lần ra thăm máy bay mới trang bị ở căn cứ không quân Clark hồi tháng 11-2015 - Ảnh: Reuters |
“Quan hệ đồng minh của chúng tôi với Philippines sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới và các nước trong khu vực không nên diễn đạt thông điệp nào khác từ thỏa thuận mới này |
JOHN KIRBY (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ) |
Những địa điểm căn cứ quân sự mà Mỹ được phép tiếp cận ở Philippines đã được thống nhất cuối tuần qua, theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) đạt được năm 2014.
Theo đó, Mỹ sẽ thiết lập “các cơ sở hậu cần thường trực để hỗ trợ việc luân chuyển quân” và dự kiến đầu tư mạnh vào các dự án hạ tầng để củng cố năng lực quân sự tại năm căn cứ này. Dù là luân chuyển quân sự, các thiết bị và lực lượng mặt đất của Mỹ có thể lưu trú ở Philippines trong thời gian dài nếu được chính quyền Manila cho phép.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ đến Manila vào tháng sau để hoàn tất các thỏa thuận liên quan việc luân chuyển quân. Giới phân tích đánh giá sự trở lại Philippines của Mỹ sau khi đạt được các thỏa thuận triển khai quân với Úc, Singapore cho thấy rõ chiến lược tái cân bằng của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương.
Trải đều
Có thể thấy các căn cứ quân sự mà Mỹ được phép triển khai quân trải đều trên khắp Philippines, bao gồm căn cứ không quân chiến lược Antonio Bautista gần thủ phủ tỉnh đảo Palawan và cận kề quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Khu vực miền bắc gồm căn cứ không quân Basa nằm gần thủ đô Manila, căn cứ Fort Magsaysay vốn là cơ sở quân sự lớn nhất và là một trong những nơi đào tạo bộ binh lớn nhất của Philippines.
Căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen nằm trên đảo Mactan ở miền trung, trong khi căn cứ không quân Lumbia nằm ở đảo Mindanao ở phía nam.
Giới quân sự tỏ ra ngạc nhiên khi một số căn cứ cũ của Mỹ ở khu vực tây bắc Philippines như Naval Station Subic Bay, Naval Air Station Cubi Point và căn cứ không quân Clark không nằm trong thỏa thuận.
Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự tại Philippines trong gần một thế kỷ, trước khi rút đi sau năm 1991 do không đạt được một thỏa thuận mới với Manila.
Thỏa thuận mới cho phép binh lính Mỹ lưu lại Philippines tối đa 18 tháng. Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg cho biết việc triển khai quân Mỹ đến các căn cứ mới sẽ diễn ra “rất sớm”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh thỏa thuận với Philippines cho thấy “Mỹ thật sự nghiêm túc về vấn đề tái cân bằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Ông Kirby khẳng định sự triển khai quân của Mỹ không nhằm khiêu khích Trung Quốc, mà nhằm thực hiện các cam kết an ninh với đồng minh Philippines. Tuy vậy ngay hôm 21-3, Bắc Kinh đã tức giận chỉ trích thỏa thuận quân sự Mỹ - Philippines làm gia tăng quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Ngăn chặn hoạt động phi pháp
Giới phân tích nhìn nhận sự hiện diện của Mỹ tại Philippines sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh các hoạt động trái phép của Trung Quốc tiếp tục làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
“Tôi cho rằng điều này sẽ diễn ra từ từ. Sự hiện diện lớn hơn nhiều của Mỹ, dù chỉ là luân chuyển, sẽ thu hút sự chú ý của Bắc Kinh và tạo cớ cho một cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung ở Biển Đông” - tờ Navy Times của Mỹ dẫn lời chuyên gia Jan van Tol thuộc Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách tại Washington.
Ông lưu ý căn cứ Antonio Bautista sẽ đưa Mỹ đến sát khu vực mà Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện phi pháp. Nó cho phép các máy bay của Washington tiếp cận nhanh chóng đến bất kỳ điểm nóng nào và nâng cao năng lực giám sát trên không.
Giới quan sát nhận thấy việc đưa căn cứ Lumbia vào thỏa thuận phản ánh lo ngại của hai nước về vấn đề khủng bố trên đảo Mindanao. Ngoài ra, Mỹ cho biết các căn cứ cũng giúp Mỹ đào tạo lực lượng Philippines trong phản ứng nhanh trước các thảm họa tự nhiên.
Trong khi đó, chuyên gia an ninh Richard Javad Heydarian thuộc Đại học De La Salle của Manila cho biết việc các căn cứ trong thỏa thuận chủ yếu là căn cứ không quân cho thấy hải quân Mỹ đã có khá đủ khả năng tiếp cận Biển Đông.
Hải quân Mỹ hiện có các căn cứ lớn tại Nhật Bản, đảo Guam và một lực lượng nhỏ ở Singapore. Tờ Manila Bulletin ngày 22-3 cũng đưa tin năm tàu hải quân Mỹ, bao gồm một tàu khu trục tên lửa, sẽ tham gia cuộc tập trận Balikatan với Philippines vào đầu tháng sau.
Hàn Quốc lên tiếng Trên tờ Korea IT Times ngày 21-3, Phó Tổng biên tập Choe Nam Suk có bài viết chỉ rõ việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa ở Biển Đông là bước đe dọa mới đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Bài viết đã đi sâu phân tích quá trình Trung Quốc leo thang gây hấn, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để chiếm đóng, cải tạo, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép quy mô lớn ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh mục đích của Trung Quốc là từng bước khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông. Bài viết nêu rõ những hành động gần đây của Trung Quốc như triển khai tên lửa HQ-9 ra đảo Phú́ Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và lắp đặt rađa cao tần ở đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam... là bước leo thang quân sự mới cực kỳ nguy hiểm, bộc lộ rõ chủ trương quân sự hóa khu vực Biển Đông. Theo ông Choe Nam Suk, đã đến lúc LHQ cần vào cuộc để bảo vệ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận