Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong Un - Ảnh: REUTERS
"Vừa nhận được thông tin từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng cuộc gặp của ông ấy với Kim Jong Un rất tốt đẹp và rằng Kim đang trông chờ vào cuộc gặp với tôi", ông Trump viết trên Twitter cá nhân ngày 28-3.
Trước đó, trong một dòng trạng thái khác, tổng thống Trump cho rằng đã tới lúc nhà lãnh đạo Triều Tiên nên làm điều đúng đắn với nhân loại.
"Trong nhiều năm và qua nhiều đời chính quyền, mọi người đều cho rằng hòa bình và việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, giờ đã có cơ hội tốt để nhà lãnh đạo Kim Jong Un làm điều đúng đắn cho người dân nước này và nhân loại".
Mỹ vẫn cứng với Triều Tiên
Sau 2 ngày im lặng, ngày 28-3, truyền thông nhà nước Trung Quốc và Triều Tiên xác nhận nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã có chuyến thăm bí mật tới Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vốn là chủ đề gai góc nhất.
Trong một thông cáo dài được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 28-3, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhận định tình hình tại bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu tiến triển tốt hơn, sau khi Triều Tiên đưa ra sáng kiến xoa dịu căng thẳng và thúc đẩy những đề xuất cho các cuộc hòa đàm.
"Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết nếu Hàn Quốc và Mỹ đáp lại các nỗ lực của Triều Tiên bằng thiện chí, tạo ra bầu không khí hòa bình và ổn định trong có các bước đi tiến bộ nhằm hiện thực hóa hòa bình", ông Kim Jong Un nói với ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, trong tuyên bố trên Twitter sau đó, tổng thống Mỹ khẳng định sẽ không có chuyện Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng sau thượng đỉnh Trung - Triều.
"Chiến lược trừng phạt và gây sức ép tối đa vẫn sẽ được duy trì bằng bất cứ giá nào", ông Trump nhấn mạnh.
Các diễn biến gần đây tại Mỹ cho thấy chính quyền của ông Trump sẽ chọn cách tiếp cận cứng rắn trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 5 tới. Tổng thống Mỹ đã sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson, người bị ông cho là "nhu nhược" trong vấn đề Triều Tiên và chọn ông Mike Pompeo - giám đốc Cục tình báo trung ương (CIA) thay thế.
Ông Pomepeo nổi tiếng là một chính trị gia cứng rắn, đã từng đả phá kịch liệt Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 dưới thời ông Barack Obama. Một nhân vật khác, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton, người ủng hộ tấn công phủ đầu Triều Tiên, được chọn ngồi vào ghế Cố vấn an ninh quốc gia - một vị trí thân cận ông Trump trong Nhà Trắng.
Một cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un và ông Donald Trump là điều nhiều người mong đợi. "Hãy trông chờ vào cuộc gặp của chúng tôi", tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 28-3.
Chất xúc tác: niềm tin
Các chuyên gia nhận định áp lực trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đang đè lên vai ông Trump - Ảnh: REUTERS
Thực tế, áp lực đối với lãnh đạo hai nước đang rất lớn. Cam kết phi hạt nhân hóa hiện tại của Triều Tiên không khác gì những cam kết được đưa ra trong các năm 1994, 2000 và 2007. Bình Nhưỡng khi ấy cũng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại viện trợ và nới lỏng trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, kết quả như thế nào đến giờ phút này đã rõ.
Điều này lý giải vì sao Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Bolton cảnh báo chính quyền Trump không nên ký bất kỳ hiệp ước hòa bình hay viện trợ nào với Triều Tiên.
Những gì xảy ra trong quá khứ đang tạo áp lực chính trị không hề nhỏ lên vai tổng thống Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID).
Chẳng hạn, các lò phản ứng hạt nhân của Bình Nhưỡng phải bị phá hủy, các thanh nhiên liệu phải được chuyển đến Mỹ,...
Bất kỳ kết quả đạt được nào dưới mức này có thể sẽ bị đánh giá là sự thất bại của ông Trump.
Kịch bản giao nộp hạt nhân đã từng xảy ra tại Libya dưới thời ông Muammar Gaddafi năm 2004. Dưới sự thuyết phục của Anh và Mỹ, ông Gaddafi đồng ý từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, toàn bộ chương trình hạt nhân của Libya sau đó được "đóng gói" và đưa tới Mỹ.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Bảy năm sau ngày giao nộp chương trình hạt nhân, Mỹ trở thành nước dẫn đầu một liên minh về cuối lên tới 15 nước không kích Libya. Chế độ của ông Gaddafi bị lật đổ còn bản thân ông bị hành quyết không qua xét xử.
Ông Kim Jong Un xem xét một thiết bị được cho là bom H thu nhỏ vừa đủ để gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa tháng 9-2017 - Ảnh: REUTERS
Chuyên gia Yun Sun thuộc chương trình nghiên cứu Đông Á tại Trung tâm Stimson (Mỹ) nhận xét Libya là bài học khiến Triều Tiên cảnh giác. "Cái chết của nhà lãnh đạo Gaddafi khiến ông Kim Jong Un không tin rằng ông sẽ có một lối thoát an toàn nếu từ bỏ hoàn toàn hạt nhân", bà Sun phân tích.
Vậy nên, nếu cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên chỉ là giả vờ để đổi lấy viện trợ, còn Mỹ vẫn kiên định tiếp cận theo cách CVID, những xung đột giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ có thể hòa giải và một thỏa thuận giữa hai nước sẽ là sự ảo tưởng sau cuộc gặp vào tháng 5 tới.
Trong bối cảnh như thế, một sự đảm bảo của Trung Quốc đối với Triều Tiên, chẳng hạn về sự tồn vong của chế độ ở Bình Nhưỡng, cơ bản có thể khiến mọi chuyện khác đi vào phút cuối.
Bức tranh vẫn còn chờ những mảnh ghép quan trọng và chất keo gắn kết đặc biệt. Hãy chờ xem!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận