Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Washington ngày 19-1 - Ảnh: REUTERS
Sau 90 phút hội đàm tại phòng Bầu dục giữa Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol với Tổng thống Mỹ ngày 18-1 (giờ địa phương), Nhà Trắng chính thức xác nhận kế hoạch Hội đàm lần 2 vào cuối tháng 2.
Bà Sarah Sanders tái khẳng định Mỹ sẽ không gỡ bỏ trừng phạt với Triều Tiên ở giai đoạn này dù cho biết các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều thời gian qua đã có tiến bộ.
"Nắn gân" Triều Tiên
Ông Kim Yong Chol đã đến sân bay quốc tế Washington Dulles từ tối 17-1, mang theo bức thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi ông Trump. Ngay sau khi ông Kim gặp Ngoại trưởng Mike Pompeo, ông Kim đến thẳng phòng Bầu dục gặp Tổng thống Trump.
Tờ New York Times dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho rằng việc công bố kế hoạch gặp nhưng chưa có ngày, giờ và địa điểm cụ thể cho thấy có thể có hai lý do phía sau.
Hoặc vì chính quyền ông Trump vẫn đang muốn tìm kiếm những nhượng bộ cụ thể từ Triều Tiên trước khi ông Trump "chốt" lịch gặp. Hoặc đúng là hai bên vẫn còn đang chưa thống nhất được về địa điểm cũng như công tác hậu cần, chuẩn bị.
Sau hội đàm tại Singapore năm ngoái, ông Trump từng tuyên bố nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên đã chấm dứt. Tuy nhiên theo Reuters, vài giờ trước khi ông Kim Yong Chol đến Washington ngày 17-1, ông Trump lại công bố chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ đã chỉnh sửa, trong đó tiếp tục xác định Triều Tiên hiện vẫn là "nguy cơ đặc biệt".
Kể từ mùa thu năm ngoái, vẫn chưa có cuộc đàm phán lớn cấp cao nào giữa hai bên.
Bà Jung Pak, cựu chuyên gia phân tích cao cấp của CIA và hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Brookings, nhận xét: "Những đợt đàm phán trước đã thất bại vì chúng ta khăng khăng yêu cầu việc thanh tra này. Ai mà tin được tuyên bố của Triều Tiên về chuyện họ có đang thực sự dừng lại chương trình vũ khí hạt nhân của họ hay không?".
Kỳ vọng kết quả thực tế
Kết quả cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore tháng 6-2018, ông khẳng định sẽ hợp tác để tiến hành phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Song tới nay Washington vẫn cho rằng Triều Tiên chưa có những bước đi cụ thể, chắc chắn để cụ thể hóa cam kết.
Thực tế này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu ông Trump sẽ bước vào cuộc hội đàm lần hai này với sự chuẩn bị tốt hơn không?
Trong nhiều tháng qua, ông Trump bày tỏ quan điểm ông không kỳ vọng những cuộc đàm phán có thể mang lại kết quả chóng vánh, tuy nhiên lập luận việc Triều Tiên đã dừng thử tên lửa, hạt nhân trong 13 tháng qua, cùng mối quan hệ cá nhân ông xây đắp được với nhà lãnh đạo Triều Tiên, cũng đã khiến vấn đề giải trừ vũ khí phần nào bớt đi tính cấp bách.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn luôn từ chối thương lượng với bất cứ ai khác ngoài ông Trump, ngay cả với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là người được ông Trump giao phụ trách quá trình đàm phán.
Theo báo New York Times, trong thư ông Kim Jong Un cũng nói mong muốn đàm phán trực tiếp với ông Trump hơn.
Ông Harry Kazianis, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Lợi ích quốc gia có trụ sở tại Washington (Mỹ), nhận định việc Mỹ và Triều Tiên thống nhất tổ chức hội đàm thượng đỉnh lần hai là một diễn biến tích cực.
Tuy nhiên ông cũng nói: "Cả hai nước phải cho thấy ít nhất các kết quả thiết thực từ các nỗ lực ngoại giao của hai bên trong cuộc gặp thượng đỉnh lần hai, còn không những nỗ lực này sẽ bị chỉ trích là chẳng có gì hơn một chương trình truyền hình thực tế".
Nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích có chung quan điểm với ông Harry Kazianis. Họ cho rằng với việc ông Trump nhận lời gặp quá mau mắn, nhiều khả năng ông cũng chỉ lặp lại một sự kiện ồn ào trên truyền thông mà hiệu quả thực tế chẳng có bao nhiêu.
"Quý vị phải lo ngại rằng chúng ta đang rơi vào bẫy của Triều Tiên" - ông Joseph Y. Yun, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ từng tham gia đàm phán với Triều Tiên, bình luận.
"Họ muốn chờ đợi và để thời gian trôi qua càng nhiều càng tốt trong khi họ không làm gì đáng kể để giải trừ hạt nhân, và trở thành một quốc gia hạt nhân được chấp nhận ở khu vực và quốc tế".
Phản ứng các nước
Một nguồn tin giấu tên cũng chia sẻ với Hãng tin AFP rằng "công tác chuẩn bị hậu cần" đang được tiến hành cho cuộc hội đàm Mỹ - Triều mặc dù "chưa có quyết định chính thức".
Người phát ngôn Chính phủ Hàn Quốc hoan nghênh thông báo, cho biết Tổng thống Moon Jae In kỳ vọng cuộc hội đàm lần hai giữa hai ông Trump - Kim sẽ là "bước ngoặt để củng cố nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên".
Ngay khi ông Kim Yong Chol gặp ông Trump tại Nhà Trắng, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã thúc giục hai nước Mỹ và Triều Tiên đồng thuận một lộ trình đàm phán nghiêm túc về việc hủy bỏ các loại vũ khí hạt nhân và đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên khi được hỏi về khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt với Triều Tiên, ông Guterres cho biết sẽ không nói trước về bất cứ biện pháp nào trước khi một cuộc đàm phán rõ ràng diễn ra, đồng thời nói thêm "hai việc này chắc chắn có liên quan đến nhau".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận