Phóng to |
Cảnh hoang tàn sau vụ đánh bom bằng ôtô gài bom ở quận Al-Mashtal, thủ đô Baghdad. Một loạt vụ đánh bom liên hoàn đã xảy ra tại nhiều quận của người Shiite khắp Baghdad lẫn phía nam ngoại ô thủ đô Iraq trong ngày 19-3, làm thiệt mạng ít nhất 25 người. Các vụ đánh bom này được cho là nhằm đánh dấu 10 năm Mỹ tấn công Iraq - Ảnh: Reuters |
Chỉ mất 21 ngày để Mỹ đạt được mục tiêu công khai trực tiếp là lật đổ chế độ mà Mỹ gọi là “độc tài” và “tàng trữ vũ khí hủy diệt” này.
Sau khi “thắng trận”, tổng thống Mỹ khi ấy - ông George W. Bush - đã ngạo mạn tuyên bố với cả thế giới những mục đích cụ thể “lớn lao” của cuộc chiến, trong đó có việc triệt hạ “chương trình vũ khí hủy diệt” của Saddam Hussein, ngăn chặn chế độ Iraq khi ấy “câu kết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda”, xóa bỏ “độc tài” và lớn lao hơn nữa là sẽ biến Iraq thành một quốc gia điển hình về dân chủ để “làm gương” cho các chế độ Ả Rập - Hồi giáo khác ở Trung Đông!
Nhưng có lẽ, điều mà chính quyền Mỹ, cả thời Bush và Obama hiện nay, “đau” nhất là chính quyền Iraq ngày càng tỏ ra độc lập với Mỹ, lại không độc lập với Iran! Nhờ Mỹ xóa sổ Saddam Hussein, Iran mới có được lợi thế chưa từng thấy như ngày nay tại Iraq, Syria, Libăng... Lợi thế ấy đang được Iran tận dụng như những lá chủ bài trong cuộc đối đầu với Mỹ. |
Mười năm đã qua, đủ thời gian để phán xét “sự thành bại” của những mục tiêu công khai mà ông Bush đã lớn tiếng rêu rao. “Vũ khí hủy diệt” không hiện hữu tại Iraq khi ấy. Quá trình điều tra buộc Mỹ phải kết luận là Saddam Hussein đã từ bỏ chương trình này từ đầu những năm 1990. Chuyện Saddam “liên hệ với Al-Qaeda” chỉ là một vụ do phe đối lập Iraq thời ấy dựng lên. Nếu coi Saddam Hussein là một nhà cai trị độc tài, thì nhà độc tài ấy đã bị cuộc chiến tranh tổng lực của Mỹ xóa sổ.
Nhưng mười năm sau, người Suna Iraq lại đang tố cáo “một nền độc tài mới” của người Shia, mà đại diện là Thủ tướng Nouri al-Maliki! Từ năm 2005, Iraq đã có bầu cử “dân chủ”, đã có quốc hội “đa đảng”, chính phủ liên hiệp và thể chế “tam quyền phân lập” đúng hình mẫu nền dân chủ phương Tây. Nhưng làm đúng hình mẫu ấy vẫn không tạo ra dân chủ!
Từ cuối năm 2012 đến nay, các tỉnh có đông người Suna ở miền tây và miền bắc Iraq đồng loạt phát động “nổi dậy dân sự” chống chính quyền al-Maliki. Người Kurd ở đông bắc đất nước tận dụng tình thế bất lực của chính quyền trung ương, càng củng cố khu vực tự trị của mình, cưỡng lại quyền điều hành của chính phủ cả về kinh tế và quân sự. Hiện nay, có thể nói chính phủ al-Maliki chỉ điều hành được khu vực miền nam đất nước, nơi tập trung các tín đồ Shia. Nguy cơ Iraq bị phân liệt thành ba “tiểu quốc” (Kurd, Suna và Shia) đang manh nha hơn lúc nào hết.
Tệ hại hơn nữa, sau khi quân đội Mỹ rút hết hồi cuối năm 2011, Iraq lại rơi vào vòng xoáy bạo lực như thời kỳ 2004- 2006. Các vụ đánh bom mang tính chất khủng bố nhắm vào dân thường xảy ra liên miên, nghiêm trọng còn hơn cả tại Syria đang nội chiến! Từ khung cảnh rối ren, bất ổn lan tràn này, Al-Qaeda đang hồi sinh và khuếch trương hoạt động tại Iraq. Tổ chức này còn “xuất khẩu” sang Syria với danh xưng “Mặt trận Ansar” - một tổ chức vũ trang chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, mà Mỹ mới nhận diện được để đưa vào danh dách “các tổ chức khủng bố quốc tế”. Bất ổn chính trị và an ninh lan tràn khiến mọi kế hoạch tái thiết đất nước đều bị cản trở nghiêm trọng.
Khi bước vào Nhà Trắng hồi đầu năm 2009, Tổng thống Obama quyết định chấm dứt sự dính líu ở Iraq để tập trung tạo dấu ấn của mình vào mặt trận “chống khủng bố” ở Afghanistan. Nay, thời hạn phải rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014 đang đến gần, mà dường như “cái dớp trắng tay” tại Iraq sẽ không buông tha nuớc Mỹ!
Người Mỹ đang tranh luận với nhau về những bài học rút ra từ cuộc chiến Iraq mười năm trước. Có lẽ nhờ “những bài học” ấy mà Tổng thống Obama tỏ ra thận trọng hơn trong ứng xử với những cuộc khủng hoảng liên tiếp nổ ra tại Trung Đông. Tổng thống Mỹ hiện nay vẫn kiên trì ưu tiên giải pháp ngoại giao mong giải quyết vấn đề chương trình nguyên tử của Iran. Chính quyền Mỹ cũng không hăng hái cầm đầu cuộc can thiệp quân sự vào Libya hồi giữa năm 2011 và thái độ của Mỹ đối với cuộc nội chiến Syria đang bị các bên đối lập tại Syria “bất bình”, vì Mỹ không chịu can thiệp quân sự trực tiếp để lật đổ chế độ của Tổng thống al-Assad.
Nhưng với cuộc chiến ở Iraq, có thể nói là nước Mỹ hoàn toàn trắng tay khi phải rút hết quân đội khỏi nước này cuối năm 2011, bỏ lại phía sau 4.488 quân nhân Mỹ thiệt mạng và thiêu rụi một khoản tiền khổng lồ được cho là lên đến 2.200 tỉ USD!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận