Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chưa có ý định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Đồ họa: ABC News
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden đã tiết lộ nội dung cuộc gặp ngày 2-4 của các cố vấn an ninh Mỹ - Nhật - Hàn tại bang Maryland (Mỹ).
"Chúng tôi muốn lắng nghe phản hồi từ các đồng minh. Đây không phải là một cuộc gặp chỉ có một chiều thông tin" - quan chức Mỹ không nêu tên nói với Hãng thông tấn Yonhap.
2 luồng quan điểm
Theo vị quan chức này, ngoài việc thảo luận các vụ Triều Tiên phóng tên lửa hành trình (ngày 21-3) và tên lửa đạn đạo (ngày 25-3), các quan chức ở 3 nước cũng tìm hiểu về mức độ lây nhiễm COVID-19 ở Triều Tiên và đánh giá chính sách ngoại giao gần đây giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
Trong tuyên bố chung 3 bên đầu tiên về Triều Tiên dưới thời chính quyền Biden ngày 3-4, Mỹ - Nhật - Hàn cam kết tiếp tục phối hợp hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên thông qua "phối hợp 3 bên".
Theo Reuters, cuộc gặp lần này có tầm quan trọng nhất định đối với việc xây dựng chính sách Triều Tiên. Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các nỗ lực liên lạc, tìm hiểu hoặc xác minh các thông tin bên trong Triều Tiên.
Có vẻ như Washington vẫn chưa chọn được cách tiếp cận mới, một phần do việc thiếu thông tin thực tế.
"Chúng tôi đang xem xét liệu các biện pháp gây áp lực bổ sung khác có thể có hiệu quả hay không, liệu có những con đường ngoại giao phù hợp nào khác có thể hữu ích" - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời khi được hỏi về quá trình tham vấn các đồng minh châu Á để tìm ra đối sách với Bình Nhưỡng.
Dựa trên câu trả lời của ông Blinken, có thể thấy đang có ít nhất 2 luồng quan điểm trong chính quyền Biden đối với Triều Tiên. Trường phái đầu tiên đòi tăng cấp áp lực, trong khi trường phái thứ hai tin rằng vẫn có thể phi hạt nhân hóa bằng thương thuyết ngoại giao.
Ẩn số Trung Quốc
Chính quyền Biden cũng được cho đã chủ động liên hệ với Bình Nhưỡng và đề cập vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong cuộc gặp 2 ngày với quan chức đối ngoại Trung Quốc tại Alaska vừa qua. Theo giới phân tích, chính quyền Biden vẫn xem Bắc Kinh là một nhân tố có ảnh hưởng trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc và Trung Quốc ngày 3-4 đã nêu cam kết tìm kiếm "giải pháp chính trị" cho vấn đề Triều Tiên sau cuộc gặp trực tiếp tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị làm dấy lên những kỳ vọng về việc nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên, bao gồm các vòng đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên vốn đã bế tắc từ năm 2009.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc ngày 17-3, ông Blinken cho rằng Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên và sẽ hỗ trợ điều này thông qua mối quan hệ "đặc biệt" với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, viết trên tạp chí Foreign Affairs, chuyên gia Oriana Skylar Mastro (Mỹ) cho rằng lợi ích lớn nhất của Trung Quốc là giữ nguyên hiện trạng Triều Tiên.
Theo bà Mastro, Bắc Kinh rõ ràng không thích Bình Nhưỡng mạnh lên vì lo sợ Washington sẽ triển khai thêm vũ khí đến bán đảo Triều Tiên. Nhưng một Triều Tiên suy yếu cũng là điều Trung Quốc không muốn thấy.
"Bắc Kinh vẫn thận trọng duy trì triển vọng phi hạt nhân hóa một cách hòa bình mà không kích động Bình Nhưỡng hoặc làm trầm trọng thêm căng thẳng với Mỹ" - chuyên gia Mastro bình luận.
Có nên thúc ép Triều Tiên?
Viết trên trang web của Viện Brookings, học giả Robert Einhorn thuộc Sáng kiến không phổ biến và kiểm soát vũ khí (Mỹ) gợi ý Washington nên chọn cách phi hạt nhân hóa Triều Tiên theo từng giai đoạn, trong một khoảng thời gian không xác định và không thúc ép.
Theo ông Einhorn, việc gia tăng áp lực để ép buộc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro mà còn ảnh hưởng tới người dân Triều Tiên. Ngược lại, biến tiến trình phi hạt nhân hóa thành một giải pháp dài hơi sẽ giảm bớt căng thẳng và tạo điều kiện cho Mỹ, đồng minh phát triển năng lực đối phó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận