Theo các nguồn tin của Bloomberg, Mỹ sẽ đánh vào năng lực sản xuất chip bằng cách tăng gấp đôi số lượng các loại thiết bị cần giấy phép xuất khẩu đặc biệt.
Ngoài ra, Mỹ có kế hoạch phối hợp với chính phủ Nhật Bản và Hà Lan. Vì 3 quốc gia này thống trị thị trường chip toàn cầu, nhiều nhà phân tích cho rằng Washington sẽ cần sự hỗ trợ của Nhật và Hà Lan để các biện pháp hạn chế có hiệu quả.
Mỹ được cho là đã gây sức ép với chính phủ Nhật và Hà Lan trong nhiều tháng. Dù vậy, cho tới nay cả Nhật và Hà Lan đều chưa đưa ra bất kỳ biện pháp cụ thể nào nhắm vào Trung Quốc.
Đầu tuần này, Hà Lan đã mở rộng các hạn chế đối với việc xuất khẩu công nghệ bán dẫn, nhưng họ không đề cập tới Trung Quốc, cũng không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về các biện pháp hạn chế.
Mỹ đã và đang tìm cách ngăn chặn tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, điều mà Washington coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Tháng 10 năm ngoái, Washington cũng ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng, nhằm ngăn các công ty Trung Quốc mua một số công cụ sản xuất chip của Mỹ được cho là sẽ được dùng cho mục đích quân sự.
Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các chính sách của Mỹ liên quan đến chất bán dẫn và thậm chí đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Trung Quốc cho rằng các biện pháp này đe dọa lợi ích của các công ty của họ và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận