Mỹ "tiếp quản Gaza": Nước cờ cao của ông Trump?

SÁNG ÁNH 16/02/2025 15:27 GMT+7

TTCT - Tuyên bố "tiếp quản Gaza" của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sóng gió chưa từng thấy cả trên chính trường Mỹ và thế giới Ả Rập, không đầy một tháng sau khi ông trở lại Nhà Trắng lần thứ hai.

Mỹ "tiếp quản Gaza": Nước cờ cao của ông Trump? - Ảnh 1.

Ảnh: AFP

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là lãnh đạo quốc tế đầu tiên thăm Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức. Trong cuộc họp báo ngày 4-2, ông Trump tuyên bố: "Hoa Kỳ sẽ tiếp quản Dải Gaza và… chúng tôi sẽ sở hữu nó". 

Đây theo ông là để xóa bỏ một quá khứ cực kỳ xui xẻo và biến dải đất tăm tối này thành khu vực nghỉ mát vui chơi bờ biển như trung tâm Mar-a-Lago của ông ở Florida. 

Tuyên bố này được đưa ra đột ngột ngay sau cuộc gặp gỡ song phương mà không bàn thảo trước, không hỏi ý chuyên gia hay bộ sậu, gồm cả Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, hay Cố vấn An ninh quốc gia Mike Waltz.

Đồng minh và cố vấn cũng bất ngờ

Tổng thống Mỹ viện cớ mảnh đất này đã bị tàn phá và chỉ còn là gạch vữa đầy bom chưa nổ, nên cư dân không còn sống được nữa. Tội nghiệp chưa, và họ sẽ phải ra đi thôi, để nước Mỹ sở hữu và xây dựng lại. 

Đầu tiên là tiền đâu, vì vấn đề này đối với cử tri của ông Trump rất nhạy cảm. Họ không muốn chính quyền Hoa kỳ phung phí 1 USD nào ngay cả trong nước để giúp người khó khăn tại Mỹ, chứ đừng nói ngoài biên giới.

Nhưng theo ông thì không có vấn đề gì vì khu vực có rất nhiều nước giàu. Họ (Saudi, UAE) sẽ bỏ tiền để giúp Mỹ biến Gaza thành khu giải trí nghỉ mát bờ biển ("Riviera"). Nghe qua thì thấy hơi vô lý, vì tôi nhiều tiền thật đấy, nhưng sao tôi lại xây khu vui chơi sầm uất cho Hoa Kỳ? 

Chưa kể theo kế hoạch này, 2 triệu người Gaza phải ra đi, thay thế bởi "người dân thế giới". Họ đi đâu? Họ sẽ sang Jordan hay Ai Cập, vì sa mạc rất rộng.

Dĩ nhiên các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông như Saudi, UAE cho tiền xây dựng, Ai Cập, Jordan lãnh dân ra đi đều không hề được cho biết trước kế hoạch này. Đồng minh của Mỹ tại Âu châu cũng không luôn. 

Riêng đồng minh láng giềng và trung kiên nhất là Canada còn đang lo bị Mỹ xâm lăng, chiếm đóng, quản lý và sở hữu tài nguyên đây (theo Thủ tướng Justin Trudeau), cho nên nói gì xa vời đến Gaza.

Israel thì sao? Israel phủi tay vui vẻ giao cho Hoa Kỳ tiếp quản. Thế Gaza có phải của Israel không mà mang giao cho Mỹ? Không phải, theo công pháp quốc tế. Sau 15 tháng đánh phá, sử dụng 86.000 tấn chất nổ (tương đương 7 lần bom nguyên tử tại Hiroshima), quân lực Israel sẽ rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Gaza, tức là trở về tình trạng trước ngày 7-10-2024.

Sau bằng ấy đột kích và đánh bom tàn phá, Israel vẫn không kiểm soát được một tấc đất Gaza, dù vẫn phong tỏa bốn mặt, không thay đổi gì từ năm 2005 qua các xung đột 2008-2009, 2019 và chiến tranh 2024-2025. Kết quả là trao đổi tù binh, trở về vị trí cũ, không lập được một cái đồn trên lãnh thổ đó, thì sao giao được cho ông Trump xây khách sạn? 

Hamas là lực lượng vẫn quản lý Gaza sau 15 tháng đánh phá và trao cho Mỹ biến thành bờ biển 5 sao chỉ có thể từ chính chủ đang giữ sổ hồng Hamas mà thôi.

Mỹ "tiếp quản Gaza": Nước cờ cao của ông Trump? - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Ông Netanyahu được gì?

Trong khi ông Trump tiết lộ kế hoạch đầu tư địa ốc thì ông Netanyahu đứng bên cạnh cười mỉm. Chức thủ tướng của ông từ bầu cử quốc hội 2022 dựa trên liên minh do đảng thiểu số RZP-Otzma kiểm soát với 14/120 đại biểu. Đảng Likud của Netanyahu (32 đại biểu) phải dựa vào đó để nắm quyền, nên phe đối tác muốn gì thì ông Netanyahu cũng phải chiều.

Tại sao ông Netanyahu lại hoảng hốt, nếu mất đa số thì về hưu ôm vợ thôi chứ việc gì? Nhưng đâu có dễ thế. Nếu mất chức thì Netanyahu sẽ không được đuổi gà mà cả hai ông bà đều có cơ nằm khám về tội nhũng lạm. 

Ông còn tại chức thì được ở nhà mát, mất chức thì sẽ ở nhà đá. Đây không phải là điều không tưởng, cả ông lẫn bà thủ tướng cùng mắc võng trong tù thì chưa có ở Israel, nhưng thủ tướng Ehud Olmert từng ngồi tù về tội nhận hối lộ, tổng thống Chaim Weizman từ chức vì tội tham nhũng, tổng thống Moshe Katsav ngồi tù vì bị kết án 7 năm tội hiếp dâm.

Như vậy, khi sang Washington, ông Netanyahu đã hoàn tất được nhiệm vụ bán cái toàn bộ Gaza cho ông Trump, nên mới đứng đó cười mỉm. Israel đã thất bại trong việc chiếm đóng Gaza, cũng như loại trừ Hamas. Hamas vẫn diễu hành và biểu dương lực lượng còn nguyên vẹn trong các màn trao đổi tù binh. 

So với trước sự cố 7-10-2024, không những Israel phải trở về vị trí xuất phát, mà còn phải thả 2.000 tù binh. Nguồn tiếp tế cho Gaza sẽ được phục hồi ở mức cũ, tức 600 xe tải và 50 xe nhiên liệu mỗi ngày.

Nhưng giờ, nhờ cách nói khéo nào đó, Netanyahu đã đẩy được Trump sang đó "sở hữu" và xây khách sạn. Trong cuộc tranh luận năm 2016 giữa các ứng viên tổng thống Cộng hòa, thượng nghị sĩ Rubio đã lắc đầu nhìn trần nhà và bảo ông Trump "Palestine không phải là thương thuyết mua bán địa ốc!". 

Sang 2025, trớ trêu thay, ông Rubio là bộ trưởng ngoại giao của Tổng thống Trump và giờ có cơ phải đi thương lượng mua địa ốc cho ông sếp khó tính.

Mỹ "tiếp quản Gaza": Nước cờ cao của ông Trump? - Ảnh 3.

Ảnh: Reuters

Saudi, Jordan và Ai Cập

Kế hoạch có nhắc đến tiền của Saudi, nên Saudi đã phản ứng lập tức. Họ nhắc lại lập trường là nhà nước Palestine trên lãnh thổ Palestine chứ không phải trục xuất dân cư để xây dựng "Riviera Trung Đông". 

Ông Trump hiểu gì nhiều ta không biết, nhưng ông rất hiểu tiền. Saudi là nước ngoài đầu tiên ông sang viếng nhiệm kỳ trước (tháng 5-2017), vì họ đầu tư 450 tỉ USD tại Mỹ. 

Năm 2025, Saudi cũng sẽ là quốc gia Trump thăm đầu tiên, và ông khoe Saudi hứa sẽ đầu tư 600 tỉ USD vào Mỹ. Để so sánh, quỹ quốc phòng Hoa Kỳ năm 2025 là 850 tỉ USD. Nhưng riêng chuyện "Riviera Gaza", Saudi không hỗ trợ, mà còn chống đối.

Kế hoạch này cũng cần sự cộng tác của hai quốc gia khác trong khu vực là Jordan và Ai Cập. Hai nước này sẽ phải nhận 2 triệu dân Gaza. Đây là hai đồng minh thiết yếu của Hoa Kỳ và đã có hòa ước với Israel. 

Dưới ảnh hưởng của tiền Saudi và UAE, Ai Cập đang thoát dần khỏi Mỹ, tuy vẫn là nước nhận viện trợ Hoa Kỳ nhiều thứ ba thế giới (1,4 tỉ USD, năm 2023), chỉ sau Jordan (thứ nhì) và Israel (thứ nhất).

Nhưng so với hứa hẹn đầu tư 22 tỉ của các đại gia dầu mỏ vùng Vịnh vào Ai Cập thì 1,4 tỉ vẫn ít. Ai Cập đã chuyển quân đến biên giới và cho biết sẽ không chấp nhận việc trục xuất người Palestine sang lãnh thổ nước mình. 

Phần Jordan thì Vua Abdullah đến Washington ngày 11-2 để phản đối kế hoạch di dân Palestine sang nước ông. Đây là vấn đề "hiện sinh" của chế độ quân chủ Jordan vì họ sẽ bị lật đổ, rơi vào bất ổn như Syria, Lebanon hay Yemen nếu để người Palestine sang tị nạn đông như vậy.

Tới đây, ta thấy người được lợi nhất trong việc này là Netanyahu. Ông bán trách nhiệm Gaza cho Mỹ vì không tròn được bổn phận trục xuất 2 triệu dân cư, chiếm đóng lãnh thổ, hay chí ít là diệt hết Hamas. 

Ngược lại, theo Bộ di trú Israel thì năm 2024, họ mất 130.000 dân bỏ nước ra đi. Di dân là vấn đề then chốt của Israel. Quốc gia này hiện hữu là để người Do Thái trên thế giới "trở về", chứ không phải "ra đi". 

Số người ra đi này lại là thành phần tinh hoa, về kinh tế lẫn năng lực. Họ có song tịch Âu hay Mỹ, có điều kiện hay chuyên môn để sinh sống ở nước ngoài và ra đi vì thấy đời sống tại Israel không được ổn định do chiến tranh đánh mãi không thắng.

Nhưng biết đâu, tuyên bố này lại là nước cờ cao của Tổng thống Trump. Ông ở vị trí phải ủng hộ Israel tới cùng, nhưng đồng thời được bầu lên với danh nghĩa đặt quyền lợi Hoa Kỳ lên trước nhất. 

Cử tri của ông không màng chuyện thế giới, và chống chuyện tiêu tiền tốn máu ở nước ngoài. Ông Trump từng phê bình mạnh dạn chuyện đánh Iraq thất bại thời Bush, hy vọng làm hòa với Triều Tiên, gọi cố vấn an ninh quốc gia của chính ông (John Bolton) là "đồ ngu" vì đòi đánh Iran.

Nay ông muốn giải quyết vấn đề Gaza không phải bằng bom đạn mà bằng khách sạn! Chuyện này có khả thi hay không không cần biết, nhưng Israel và Netanyahu được vỗ về an ủi, và nước Mỹ vẫn sẽ không cần làm gì.■

Đề nghị của ông Trump không được cộng tác và hỗ trợ của các nước đồng minh trong khu vực. Liên hợp quốc và nhiều nước châu Âu cũng đã lên tiếng phản bác. Nhưng dù tất cả có ủng hộ thì Mỹ sẽ sở hữu và quản lý dải đất này ra sao? Thực ra, chuyện thế này cũng có tiền lệ.

Mỹ "tiếp quản Gaza": Nước cờ cao của ông Trump? - Ảnh 2.

Ảnh: ft.com

Năm 1982, Israel xâm lăng Lebanon để đánh đuổi phong trào kháng chiến Palestine. Khi Israel rút đi thì Lebanon bất ổn và một lực lượng quốc tế của Liên hợp quốc ra đời, gồm quân Mỹ, Pháp, Ý và Anh. Lực lượng này không trục xuất ai hết, không đòi sở hữu duyên hải và mở vũ trường giải trí, mà là trung lập, làm trái độn giữa các phe tham chiến, củng cố chánh quyền trung ương và quân lực Lebanon.

Việc xưa tích cũ này đã được thượng nghị sĩ Lindsay Graham nhắc lại nhân dịp ông Trump muốn "sở hữu" Gaza. Ông Graham thuộc thành phần hữu khuynh Cộng hòa và triệt để ủng hộ Tổng thống Trump, nhưng cử tri của ông cũng như của Trump không ai thích lên tàu biển phiêu lưu quân sự ở Trung Đông. Nếu 600.000 quân Israel trong 15 tháng còn phải hòa thì bao nhiêu lính Mỹ và bao nhiêu năm tháng mới đủ?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận