Triển lãm đang thu hút công chúng đến thưởng lãm - Ảnh: MAI THỤY
Triển lãm quy tụ nhiều chất liệu, từ lụa, màu nước, sơn dầu, sơn mài cho đến khắc gỗ phá bản, sắt hàn, composite, gốm men. Sự choáng ngợp trong không gian trưng bày không chỉ ở số lượng các tác phẩm mà còn ở nội dung đề tài. Bên cạnh những vệt chủ đề quen thuộc như quê hương, đất nước, tôn giáo..., không ít tác giả đã tìm cảm hứng sáng tác từ môi trường, trí tuệ nhân tạo.
Trong bức tranh Sa mạc hóa đại dương, dù trung thành với thủ pháp khắc họa chân dung đặc trưng, họa sĩ Trần Thanh Cảnh vẫn làm người xem bất ngờ bởi những suy nghĩ của anh về ranh giới giữa một đại dương và một hoang mạc đang dần bị xóa nhòa.
Còn ở tác phẩm điêu khắc tổng hợp Hiệp sĩ cô độc, tác giả Trần Mai Hữu Quý lại khiến công chúng phải suy tư và bất giác nghĩ về tuổi thơ của mình trước sự cô đơn của một đứa trẻ được bao bọc bởi đồ chơi. Một số tác phẩm khác như Dưới mưa của nhà điêu khắc Đỗ Thế Thịnh, Bên kia sông của họa sĩ Lâm Chí Trung cũng gây được sức hút bởi sự am hiểu chất liệu và phong cách sáng tác.
Đánh giá triển lãm, họa sĩ Nguyễn Trung Tín - chủ tịch hội đồng chấm giải - cho rằng vì số lượng tác phẩm tham dự rất lớn nên triển lãm có chất lượng nội dung cao, bao quát được nhiều chủ đề, khía cạnh trong đời sống. "Tuy nhiên, năm nay hầu như không có tác phẩm nào mang tính bước ngoặt.
Đa số các tác phẩm đều có chất lượng nghệ thuật ngang tầm nhau, không có sự bứt phá. Thậm chí, qua theo dõi nhiều năm, tôi còn nhận thấy có một số họa sĩ bị đuối sức và thiếu tính sáng tạo. Thế nhưng, vì tác phẩm của họ vẫn hơn những sáng tác khác nên vẫn được trao giải" - ông phân tích.
Mặc dù được xem là triển lãm thường niên lớn nhất của Hội Mỹ thuật TP.HCM nhưng triển lãm lần này khó được xem là diện mạo của mỹ thuật TP bởi sự thiếu vắng các tác phẩm nghệ thuật đương đại với cách thể hiện mới mẻ và thiếu cả những nghệ sĩ tên tuổi mà bấy lâu nay sân chơi của họ chủ yếu là ở nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận