Tên lửa hành trình tầm trung được bắn từ một bệ phóng di động trên đảo San Nicolas của California - Ảnh: AFP
Tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra ngày 20-8, chỉ 2 ngày sau vụ thử tên lửa hành trình tầm trung ở bang Californina của Mỹ.
"Hành động của Mỹ đã kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới, dẫn tới leo thang đối đầu quân sự và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh khu vực lẫn thế giới", ông Cảnh Sảng chỉ trích Mỹ.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đã tới lúc Washington "nên từ bỏ não trạng chiến tranh lạnh và làm nhiều hơn những thứ khác vì hòa bình, ổn định của thế giới lẫn khu vực".
Hôm 18-8, quân đội Mỹ đã tiến hành một vụ thử tên lửa hành trình tầm trung đất-đối-đất từ bờ biển California. Loại tên lửa này được thiết kế mang đầu đạn thường, không phải đầu đạn hạt nhân. Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận sự việc vào ngày 19-8, nhấn mạnh tên lửa đã đánh trúng mục tiêu cách đó khoảng 500km.
"Các dữ liệu thu được sẽ giúp ích cho việc tăng cường năng lực tên lửa tầm trung của Mỹ", Lầu Năm Góc khẳng định.
Giới quan sát nhận định có lý do để Trung Quốc tố Mỹ kích động chạy đua vũ trang. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Mark Esper, trong chuyến thăm một loạt nước châu Á hồi đầu tháng 8 đã công khai tuyên bố Mỹ sẽ sớm đưa tên lửa tầm trung tới khu vực.
"Trung Quốc không nên ngạc nhiên bởi Mỹ đã nói về điều này lâu lắm rồi", ông Esper khi đó khẳng định.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông John Bolton, sau đó còn tiết lộ những tên lửa tầm trung của Mỹ có thể sẽ được triển khai tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, những nước nằm gần Trung Quốc hơn sau khi Úc lên tiếng từ chối.
Vụ thử tên lửa hành trình tầm trung phóng từ mặt đất của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 18-8 - Video: RT/Bộ Quốc phòng Mỹ
Trung Quốc cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả nếu tên lửa Mỹ xuất hiện tại Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Bắc Kinh đã tiến hành nhiều biện pháp trả đũa nhắm vào các doanh nghiệp Hàn Quốc sau khi Seoul đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD năm 2017.
Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong), nhận định việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã cởi trói cho Mỹ.
"Mỹ gần đây không có tên lửa tầm trung nào vì bị hạn chế bởi INF. Do đó muốn sở hữu năng lực này, họ cần phải rút khỏi hiệp ước, phát triển và thử nghiệm các loại tên lửa mới.
Các loại tên lửa cả thông thường lẫn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm bắn trên 500km sẽ tăng cường đáng kể năng lực răn đe của Mỹ với đối thủ. Bắc Kinh rõ ràng không muốn thấy điều này nhất", ông Zhang nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận