15/08/2012 15:23 GMT+7

Mỹ theo dõi người dân bằng máy quay gián điệp

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Trang web WikiLeaks một lần nữa lại gây xôn xao dư luận khi công bố các tài liệu mật cho thấy Chính phủ Mỹ đang sử dụng một hệ thống máy quay gián điệp hiện đại để theo dõi mọi người.

lcaKpH31.jpgPhóng to
Hệ thống Trapwire có thể lấy dữ liệu từ các máy quay dân dụng tại các địa điểm công cộng như sân bay - Ảnh: Reuters
mbfEeR22.jpgPhóng to
Mời bạn vào tải ứng dụng Tuổi Trẻ dành cho smartphone và tablet sử dụng hệ điều hành Android đã có trên
Một hệ thống máy quay an ninh nhận dạng mục tiêu dựa trên gương mặt hoặc dáng đi của họ và phân tích xem liệu họ có khả năng phạm tội hoặc thực hiện hành vi khủng bố hay không. Nghe như thể đó là thiết bị trong bộ phim khoa học viễn tưởng của Hollywood. Nhưng hệ thống Trapwire là có thật và đang được triển khai tại một số quốc gia, trong đó có Mỹ.

Báo Anh Guardian cho biết mới đây trang WikiLeaks tiếp tục công bố các bức thư điện tử của công ty an ninh Mỹ Stratfor Global Intelligence. Theo đó, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đầu tư 832.000 USD để triển khai hệ thống Trapwire ở thủ đô Washington DC và thành phố Seattle. Stratfor mô tả Trapwire là “một hệ thống phần mềm dự báo đặc biệt, được thiết kế để phát hiện hành vi do thám và chuẩn bị hậu cần trước một cuộc tấn công khủng bố”.

Hệ thống hiện đại

Theo các tài liệu mật của Stratfor, hệ thống máy quay gián điệp Trapwire là sản phẩm của Tập đoàn an ninh Abraxas, do các cựu điệp viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) lập ra. Hãng này có mối quan hệ với Stratfor. Trapwire ghi hình lại bất cứ ai có hành vi khả nghi tại các địa điểm nhạy cảm, ví dụ như chụp ảnh những khu vực đông người ở New York. Sau đó, hệ thống này sẽ dò tìm mục tiêu từ dữ liệu của hàng nghìn máy quay dân sự. Tất cả thông tin sẽ được chuyển về một trung tâm dữ liệu bí mật của Abraxas để phân tích.

Tài liệu của Stratfor cho thấy Bộ An ninh nội địa Mỹ sử dụng Trapwire để ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố. Năm 2005, người sáng lập Abraxas là Richard Helms đã khẳng định: “Công nghệ của chúng tôi có thể thu thập thông tin về con người và xe cộ chính xác hơn công nghệ nhận diện gương mặt, và đánh giá nguy cơ bị tấn công tại các khu vực bọn khủng bố nhắm tới”.

Một bức thư điện tử năm 2010 của Stratfor viết: “Tuần này, 500 máy quay giám sát đã hoạt động tại hệ thống tàu điện ngầm New York nhằm đảm nhận nhiệm vụ dò tìm nguy cơ khủng bố. Công nghệ giám sát này cũng được áp dụng tại những địa điểm mục tiêu có giá trị cao ở Washington, Las Vegas, Los Angeles và London (Anh). Nó có tên là Trapwire”. Chủ tịch Stratfor Don Kuykendall khẳng định Trapwire là một trong những công cụ hiện đại nhất kể từ sau vụ 11-9 để ngăn chặn khủng bố.

Theo ông Kuykendall, khách hàng của Abraxas gồm có Nhà Trắng, Sở Cảnh sát London, Văn phòng thủ tướng Anh và nhiều doanh nghiệp. Stratfor khuyến nghị các công ty như Walmart, Dell… nên áp dụng công nghệ này. Ngoài Mỹ, Tập đoàn Abraxas còn hoạt động ở Canada và Anh. Mọi nỗ lực liên hệ của giới truyền thông trong những ngày qua với Stratfor và Abraxas đều vô hiệu.

WikiLeaks bị tấn công

Theo báo Anh Daily Mail, sau khi công bố các bức thư điện tử của Stratfor tuần trước, trang web WikiLeaks đã lập tức bị tấn công dữ dội bằng kỹ thuật từ chối dịch vụ và bị tê liệt trong vài ngày. Trên mạng Internet, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu hai sự kiện này có liên quan đến nhau.

WikiLeaks khẳng định có kẻ muốn ém thông tin về Trapwire. “Các cuộc tấn công nhắm vào trang WikiLeaks-press.org tăng vọt sau khi WikiLeaks đăng tải các tài liệu về chương trình do thám Trapwire” - WikiLeaks tuyên bố.

Tổ chức tin tặc Anonymous tuyên bố mở “Chiến dịch Trapwire”, kêu gọi đánh sập hệ thống giám sát này. “Một bộ não trí tuệ nhân tạo khổng lồ có khả năng giám sát chúng ta thông qua việc tiếp cận các máy quay và các trang mạng xã hội là một con quái vật nguy hiểm” - Anonymous khẳng định. Chính Anonymous đã xâm nhập hệ thống mạng của Stratfor hồi tháng 12-2011 và lấy đi các tài liệu trên.

Nhiều chuyên gia truyền thông đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về việc hệ thống Trapwire có thể xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Trên blog cá nhân, nhà phân tích Carole Theriault thuộc Hãng phần mềm Mỹ Sophos nhận định việc chính phủ âm thầm sử dụng công nghệ hiện đại để giám sát mọi hoạt động của người dân nhân danh an ninh quốc gia không phải là chuyện mới mẻ.

“Nhưng câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra là chúng ta coi trọng thứ gì hơn, quyền tự do cá nhân hay sự an toàn” - chuyên gia Theriault viết. Nhiều tổ chức hoạt động vì quyền tự do ở Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo việc những hệ thống như Trapwire có thể bị lạm dụng để xâm phạm quyền lợi cá nhân của người dân.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên