Bộ Công Thương thông tin về việc Mỹ áp dụng điều tra chống lẩn tránh với hàng xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh: BCT
Tọa đàm "Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ" do tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22-12.
Ông Chu Thắng Trung - phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương - cho hay Mỹ là một trong những quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Điểm khác biệt là nếu như trước đây các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ chủ yếu tập trung vào hoạt động điều tra chống bán phá giá như cá tra, cá ba sa hoặc tôm, thì gần đây nước này còn sử dụng những hoạt động điều tra mới, gọi là chống lẩn tránh thuế (là hàng được sản xuất, lắp ráp tại quốc gia khác ở mức độ tương đối và được hoàn thiện tại Việt Nam với hàm lượng giá trị thấp để mượn xuất xứ Việt Nam xuất sang Mỹ nhằm hưởng thuế ưu đãi sẽ bị đưa vào tầm ngắm điều tra chống lẩn tránh - PV).
Bằng chứng là số lượng vụ việc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng tương đối rất nhanh. Đến thời điểm hiện tại thống kê có tổng cộng trong số 51 vụ việc từ Mỹ thì có đến 22 vụ việc là điều tra chống lẩn tránh. Số lượng này chiếm khoảng 1/4 số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
"Với những vụ việc này, cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ còn có tính chất rộng hơn, tức là không chỉ điều tra những hành vi gian lận mà còn điều tra để xem hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam có lớn hay không", ông Trung cho hay.
Ông nói thêm, từ vụ việc đầu tiên liên quan đến ngành thép, liên quan đến các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội, sau đó công cụ này được sử dụng tương đối thường xuyên hơn.
Thậm chí đến năm 2021 Mỹ còn sửa đổi lại các quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh và áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh để làm sao các thủ tục, các điều kiện quy định được chặt chẽ hơn và tạo cho cơ quan có thẩm quyền, ở đây là Bộ Thương mại Mỹ, quyền hạn phù hợp hơn cho các hoạt động điều tra.
Với việc thay đổi quy định này khiến cho hàng hóa Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ, khi tiếp tục là đối tượng có rất nhiều các cuộc điều tra chống lẩn tránh từ Mỹ, theo ông Trung.
Bà Trần Thị Thu Hương - giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, VCCI - cho hay kim ngạch của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2021 tăng một cách ấn tượng, lên đến 23%, chủ yếu là những mặt hàng dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và những mặt hàng về sắt thép kim loại.
Lý giải về việc Mỹ đưa ra các biện pháp lẩn tránh với hàng xuất khẩu Việt Nam, bà cho rằng do nước này muốn kiểm soát tình hình lạm phát nên hạn chế và ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa vào thị trường. Do đó, việc thay đổi về quy định của Mỹ khiến chúng ta thấy rằng phạm vi những sản phẩm có nguy cơ bị áp mức thuế hoặc điều tra lẩn tránh sẽ mở rộng hơn trước đây rất nhiều.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - cho hay Mỹ cũng áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với nhiều nước như Malaysia, Thái Lan nhưng số vụ việc ở Việt Nam tăng cao nhất vì hàng xuất khẩu của ta vào Mỹ gia tăng nhanh về tỉ trọng, giá trị, lần đầu tiên vượt tới hơn 100 tỉ USD.
Do đó, ông khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại để chủ động ứng phó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận