Ông Mark Calabria - nhà kinh tế trưởng của phó tổng thống Mỹ Mike Pence - Ảnh: WSJ
Hãng tin Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế trưởng Mark Calabria của phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Washington đã trao "danh sách yêu cầu chi tiết" cho Trung Quốc.
Ông không nói rõ chi tiết nhưng nói rằng Mỹ muốn Bắc Kinh giảm thuế nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Những gì tôi nghe được từ ngày đầu tiên khá tích cực. Khó khăn luôn là chúng tôi lúc nào cũng nghe nhưng điều khá tích cực từ Trung Quốc và vấn đề là liệu họ có thực sự thực hiện chúng hay không" - ông Calabria giải thích.
Đây là tuyên bố cập nhật đầu tiên kể từ khi đội ngũ kinh tế của tổng thống Mỹ Donald Trump đến Bắc Kinh tham gia cuộc đàm phán kín. Cuộc đàm phán diễn ra trong hai ngày 3 và 4-5.
Phái đoàn bao gồm Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow…
"Đội ngũ tài chính tuyệt vời của chúng ta đang ở Trung Quốc để đàm phán một sân chơi thương mại đẳng cấp" - ông Trump xác nhận trên Twitter ngày 3-5.
Đây là cơ hội để hai bên ngồi xuống đối thoại kể từ sau khi kênh trao đổi kinh tế cấp cao Mỹ - Trung bị đình chỉ vào năm ngoái.
Cuộc đàm phán chủ yếu tập trung vào các lo ngại của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc, việc ép buộc chuyển giao công nghệ và thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng lớn.
Một báo cáo của Washington ngày 3-5 cho thấy khoảng cách thương mại của Washington với Bắc Kinh tăng 16% lên hơn 91 tỉ USD trong quý đầu năm 2018.
Tuy nhiên một quan chức cấp cao Trung Quốc khẳng định chính quyền nước này sẽ không chấp nhận các điều kiện tiên quyết như từ bỏ các tham vọng sản xuất hay thu hẹp cách biệt thương mại.
Quốc kỳ Mỹ-Trung Quốc trên đại lộ Pennsylvania ở Washington - Ảnh: Reuters
Cho đến nay hai bên vẫn chưa có kế hoạch tổ chức họp báo và giới chuyên gia cũng không mấy lạc quan về kết quả cuộc đàm phán có thể giúp trì hoãn nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
"Kỳ vọng của chúng tôi rất thấp. Quan điểm đàm phán của Mỹ thì không rõ ràng, thậm chí không biết các đại diện của Mỹ có quan điểm thống nhất về những gì họ muốn đạt được hay không. Trong khi đó Trung Quốc đã nhượng bộ và sẽ không vội vàng nhún nhường tiếp" - nhà kinh tế Tom Orlik của hãng tin Bloomberg nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận