Những trang trí cuối cùng cho buổi lễ khai trương tòa nhà sứ quán Mỹ ở ngày 14-5 - Ảnh: REUTERS
Theo đài CNN, càng sát thời điểm đại sứ quán Mỹ khai trương ở phần Đông Jerusalem, công tác an ninh càng được tăng cường ở các cơ sở ngoại giao Mỹ ở các nước khu vực Trung Đông do quan ngại bị tấn công.
Tờ Marine Corps Times khẳng định các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đã được triển khai đảm bảo an ninh cho các đại sứ quán Mỹ ở khu vực Trung Đông.
Theo đó Đơn vị tăng cường an ninh của Thủy quân lục chiến (URSM) bao gồm 120 binh sĩ tinh nhuệ chuyên trách bảo vệ mà các đại sứ, các chỉ huy phái bộ hoặc các sĩ quan an ninh khu vực có thể gọi huy động trực tiếp.
Đài CNN giải thích thêm rằng đơn vị URSM thường được triển khai theo nhóm nhỏ nhưng hồi tháng 7-2016 từng có lần hơn 40 binh sĩ của đơn vị này đã được triển khai đến bảo vệ sứ quán Mỹ ở Juba, miền Nam Sudan khi đất nước này xảy ra những xung đột bạo lực dữ dội giữa các phe phái đối địch.
Đơn vị thủy quân lục chiến bảo vệ an ninh của Mỹ được đưa vào các sứ quán với nhiệm vụ bảo vệ các tài liệu mật và tài sản quí. Theo một tài liệu công bố vào tháng 5-2016, khoảng 175 phái bộ ngoại giao Mỹ ở gần 150 quốc gia và lãnh thổ được lực lượng thủy quân lục chiến bảo vệ an ninh.
Đài truyền hình Hadashot TV của Israel, thủy quân lục chiến Mỹ và binh sĩ quân đội Israel cũng thường xuyên tập trận với nhau để chống khủng bố.
Sĩ quan cảnh sát biên giới của Israeli ném lựu đạn gây choáng inh tai về phía người Palestine biểu tình ngày 14-5 ở TP Bethlehem thuộc phần Bờ Tây bị chiếm đóng - Ảnh: REUTERS
Trong hoạt động bảo vệ an ninh cho sự kiện Mỹ khai trương đại sứ quán ở Jerusalem ngày 14-5, Israel đã triển khai hàng ngàn cảnh sát trên khắp các quận thuộc Jerusalem.
Đặc biệt, cảnh sát lên kế hoạch siết chặt an ninh tại khu vực Arnona - nơi đặt trụ sở đại sứ quán mới của Mỹ vốn là một tòa nhà lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem.
Lễ khai trương dự kiến diễn ra vào 16h, theo giờ địa phương (tức 20h, giờ Việt Nam) với sự tham dự của 800 khách mời.
Một phái đoàn Nhà Trắng đã đến Jerusalem để tham dự lễ khai trương, trong đó có con gái và con rể ông Trump trong vai trò cố vấn của Tổng thống. Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham dự sự kiện này nhưng sẽ có bài phát biểu truyền qua màn hình.
Ngày 16-12-2017, Tổng thống Trump đã tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, theo đó quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này.
Động thái này đã gây căng thẳng leo thang và làn sóng phản đối kịch liệt trong khu vực. Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.
Lực lượng cấp cứu y tế phải đeo mặt nạ để cứu một phụ nữ Palestine bị hít hơi lựu đạn cay của lính Israel chống cuộc biểu tình ở Nakba, trên khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng vào ngày 14-5 - Ảnh: REUTERS
Sau quyết định của Tổng thống Mỹ, chính quyền Palestine tuyên bố Mỹ không thể được coi là bên hòa giải công bằng ở Trung Đông.
Vấn đề Jerusalem rất nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel.
Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine luôn xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận