Phóng to |
Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ trên bầu trời bang California gần căn cứ không quân Edwards - Ảnh: Reuters |
F-35 là máy bay chiến đấu một động cơ đời thứ năm, được đánh giá cao nhờ phần mềm tối tân và các tính năng tàng hình có khả năng qua mặt các máy quét rađa của đối phương. Theo chương trình phát triển máy bay F-35, Mỹ sẽ cung cấp hơn 2.440 chiếc cho quân đội và vài trăm chiếc khác cho tám nước tham gia đầu tư vào dự án là Anh, Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Úc. Ngoài ra, Nhật và Israel cũng đăng ký mua máy bay chiến đấu tối tân bậc nhất này của Washington.
Đối thủ lớn
Ý tưởng phát triển một loại chiến đấu cơ cho cả ba lực lượng đã hình thành từ thập niên 1990 nhằm tiết kiệm chi phí, nhưng phải mãi đến năm 2001 mới được chính thức bắt đầu, do nhà thầu quân sự Lockheed Martin đảm nhận.
F-35 có ba phiên bản là F-35A được thiết kế dành cho không quân Mỹ, sẽ thay thế các máy bay ném bom F-18, F-16 và máy bay tấn công Tiếng sét A-10. Phiên bản thứ hai là F-35C sẽ được trang bị cho các hàng không mẫu hạm Mỹ, thay thế loại F/A-18 của hải quân. Trong khi đó, phiên bản F-35B sẽ kế tục dòng máy bay phản lực lên thẳng Harrier nổi tiếng. Với 80% phụ kiện giống nhau, chi phí sản xuất ba dòng F-35 sẽ giảm bớt.
Dòng máy bay F-35 có khả năng bay với tốc độ lên đến 1.900km/ giờ, nó di chuyển 1.100km sau mỗi lần nạp nhiên liệu, 800km đối với F-35B, có khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Máy bay có thể mang theo hai tên lửa không đối không, hai quả bom có điều khiển chính xác và thêm bốn quả bom hoặc tên lửa bên dưới cánh.
Đối thủ của F-35 là chiến đấu cơ được đánh giá cao Sukhoi T-50 của Nga dự kiến được triển khai sau năm 2020. Tuy nhiên, biên tập viên phụ trách mảng quân sự và quốc phòng của tạp chí Business Insider cho biết Matxcơva đang gặp rắc rối với việc lựa chọn động cơ cho T-50. Trong khi đó, máy bay J-20 của Trung Quốc không được đánh giá cao về thiết kế với kích cỡ to quá khổ.
Theo các chuyên gia quân sự, máy bay của Trung Quốc chỉ có thể tham gia tốt chiến dịch đánh bom tầm trung nhưng không vượt trội về không chiến. Còn chiếc T-50 của Nga không đa năng. “Tôi không nghĩ bất cứ máy bay nào có thể cạnh tranh được với F-35” - chuyên gia quốc phòng Richard Bitzinger thuộc ĐH Kỹ thuật Nanyang của Singapore nhận định.
Trung Quốc đánh cắp công nghệ?
Chương trình phát triển máy bay F-35 đang trở thành một trong những chương trình vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Các nước đối tác tham gia chương trình đã lần lượt bày tỏ sự lo ngại. Chi phí mỗi chiếc máy bay F-35 ước tính khoảng 162 triệu USD, gấp đôi so với thời điểm năm 2001.
Theo Lầu Năm Góc, tổng chi phí của dự án lên đến 396 tỉ USD, tăng 4% so với năm ngoái. Các chi phí sau khi hoàn tất sản xuất như phí điều hành, hỗ trợ, có thể đẩy tổng đầu tư lên hơn 1.500 tỉ USD. Theo tạp chí Foreign Policy, dự án máy bay F-35 trở nên vượt tầm tay của Washington, nhất là khi Lầu Năm Góc đang đối mặt với áp lực cắt giảm chi tiêu thêm hàng tỉ USD.
Trong khi đó, thời gian triển khai máy bay F-35 dự kiến đến cuối năm 2020 thật sự đã trễ gần một thập niên so với kế hoạch. Một số chuyên gia nghi ngờ các vụ tấn công tin tặc từ Trung Quốc có thể là nguyên nhân dẫn tới sự trì hoãn này. Có khả năng tin tặc của Bắc Kinh đã trộm được dữ liệu về hệ thống ăngten và truyền thông của F-35, buộc các nhà sản xuất phải cải tiến phần mềm và sửa đổi các chi tiết máy bay.
Nhiều đối tác tham gia dự án F-35 của Mỹ đang mất kiên nhẫn. Ý hồi đầu năm tuyên bố giảm lượng máy bay đặt hàng từ 131 xuống còn 90. Anh cũng hủy kế hoạch ban đầu mua 138 chiếc F-35 của Mỹ bởi chi phí và sự trì hoãn “không thể chấp nhận được”. Nhật cho biết sẽ xem xét hủy hợp đồng với Washington. Tại Canada, chi phí của dự án cũng dấy lên tranh cãi gay gắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận