Theo AFP, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đến Washington từ ngày 1-4 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức bốn ngày ở Mỹ. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng gặp Tổng thống Barack Obama để thảo luận các vấn đề chiến lược và kinh tế, thỏa thuận thương mại tự do và những căng thẳng tiếp diễn ở biển Đông.
Tại Lầu Năm Góc, ngày 1-4, trao đổi với thủ tướng Singapore, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định Mỹ và Bộ Quốc phòng “vẫn cam kết tái cân bằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Mỹ cam kết “xoay trục”
Bộ trưởng Hagel và Thủ tướng Lý Hiển Long đã trao đổi quan điểm về cách thức các nước có thể hợp tác với nhau để giải quyết hòa bình các vấn đề căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh “trong tương lai sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn giữa Singapore và Mỹ”, như AFP dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little cho biết.
Ông Hagel khẳng định Washington sẽ tiếp tục thắt chặt mối quan hệ quốc phòng song phương với Singapore. Lầu Năm Góc sẽ luân phiên triển khai bốn tàu chiến cận duyên của hải quân Mỹ đến Singapore. Tàu USS Freedom là tàu đầu tiên có mặt ở đảo quốc sư tử vào cuối tháng 4-2013 như một minh chứng cho thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước và sự hiện diện tăng cường của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Hagel cũng cho biết ông sẽ đến Singapore vào tháng tới để tham dự cuộc Đối thoại Shangri-La, diễn đàn quốc phòng hằng năm của ASEAN. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng dự kiến thực hiện chuyến công du đầu tiên đến châu Á vào cuối tháng này kể từ khi nhậm chức. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục điều chuyển khí tài về khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo chiến lược “xoay trục” và tái cân bằng ở châu Á của Tổng thống Obama.
Trên báo điện tử Slate (Mỹ), Thủ tướng Lý Hiển Long nói ông không chắc Mỹ đã thật sự “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông, Washington chỉ đang thể hiện sự quan tâm mang tính xây dựng và năng động ở khu vực này và Singapore hoan nghênh việc này.
Singapore chọn thế trung lập
Singapore được xem là một tiền đồn quan trọng cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á. Các tàu sân bay và tàu chiến của Mỹ thường cập cảng Singapore trên đường đi ngang khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù quan hệ quốc phòng Singapore - Mỹ đang ngày càng được tăng cường, nhưng điều này không có nghĩa Singapore sẽ ủng hộ bất kỳ chiến lược nào của Mỹ trong tương lai nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Giáo sư Tim Huxley, giám đốc điều hành phụ trách về châu Á, trên trang web của Viện Chính sách chiến lược Úc nhận định đối đầu chiến lược ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh có thể sẽ gây chia rẽ các quốc gia Đông Nam Á, song khả năng Singapore đứng về phía Mỹ trong cuộc khủng hoảng chính trị với Trung Quốc trong tương lai là điều rất khó xảy ra.
Singapore mua 12 máy bay F-35B của Mỹ Trang AOL Defense, một chuyên trang về quốc phòng Mỹ, cho biết đây chỉ là đợt mua đầu tiên và về dài hạn, Singapore sẽ mua tổng cộng 75 máy bay F-35B. F-35B là phiên bản nhỏ hơn của máy bay F-35A (dành cho không quân Mỹ) nhưng vẫn có đầy đủ tính năng chiến đấu, có khả năng bay và hạ cánh thẳng trực tiếp mà không cần đường băng. Vẫn theo AOL Defense, sự có mặt của F-35 ở Singapore, Nhật Bản (42 máy bay F-35A) và Úc (50-100 máy bay F-35A) cùng các máy bay Mỹ tại các cơ sở không quân, tàu sân bay và hải quân ở Thái Bình Dương... tất cả sẽ tạo một gọng kìm lớn từ Alaska hướng sang hướng tây và nam tới biển Đông, kéo dài xuống Úc và vắt ngang qua Hawaii. Một cơ sở sản xuất máy bay F-35 mới sẽ sớm được công bố ở Nhật và Mitsubishi sẽ thực hiện dự án này. Cơ sở mới sẽ cung cấp thêm một trạm bảo hành để quân Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương có một trung tâm sửa chữa và thay thế ngay trong khu vực. T.TUẤN |
Phóng to |
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Lầu Năm Góc - Ảnh: AFP |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận