11/04/2025 09:16 GMT+7

Mỹ tạm áp thuế: Thế giới cảnh giác, Trung Quốc phản kháng

Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày cho hầu hết đối tác thương mại nhưng lại tăng thuế với Trung Quốc 145%.

áp thuế - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất thiết bị dẫn đường thông minh cho ô tô tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá leo thang quá nhanh chỉ trong một tuần (xem đồ họa) khiến Trung Quốc không nhân nhượng.

Tích cực nhưng cảnh giác

Kết thúc phiên giao dịch 9-4, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đều ghi nhận những mốc tăng điểm mạnh mẽ.

Chỉ số S&P 500 tăng 9,52% - mức tăng cao nhất từ tận tháng 10-2008 (thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới). Chỉ số Nasdaq (chủ yếu gồm các mã công nghệ) cũng tăng 12,16% - cao nhất từ tháng 1-2001, khi bong bóng dotcom vỡ tung. Chỉ số Dow Jones cũng tăng 7,87%.

Ở châu Á, phiên giao dịch đầu ngày 10-4 cũng chứng kiến các chỉ số chứng khoán tăng hơn 9% tại Đài Loan, 8% tại Nhật Bản và 5% tại Hàn Quốc. Sắc xanh cũng trở lại châu Âu khi chỉ số Stoxx 600 tăng 4,9% đầu phiên ngày 10-4.

Giống như thị trường, chính phủ các nước được hoãn thuế cũng nhẹ nhõm phần nào. Tuy nhiên giới chức các nước vẫn giữ nguyên thái độ thận trọng vì nguy cơ thuế quan vẫn còn đó, chỉ tạm hoãn.

Ngay sáng 10-4, Bộ trưởng Thương mại, Đầu tư và Công nghiệp Malaysia Zafrul Aziz đã chủ trì Hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN với người đồng cấp từ 9 nước còn lại trong khối.

Tại đây, ông Zafrul cảnh báo: "Dù chúng tôi hoan nghênh lệnh hoãn 90 ngày, nhưng mức thuế 10% cơ sở cùng việc áp thêm thuế với Trung Quốc vẫn tác động đến kinh tế và thương mại toàn cầu. Biến động này mang đến thách thức lớn cho các nền kinh tế ASEAN".

Ông Cheong In Kyo, đại diện thương mại cấp cao của Hàn Quốc, cũng cho biết Seoul lo ngại hậu quả của việc Trung Quốc bị áp thuế 145% vì các mặt hàng thành phẩm của Trung Quốc có thể tràn sang các thị trường xuất khẩu của Hàn Quốc.

áp thuế - Ảnh 2.

Nguồn: Reuters - Dữ liệu: BẢO ANH

Trung Quốc sẵn sàng đương đầu

Ngày 10-4, ngay sau khi bị cô lập thuế quan, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả đến cùng.

"Nếu đàm phán thì cánh cửa luôn rộng mở, nhưng đối thoại phải được tiến hành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng", người phát ngôn bộ này, ông Hà Vịnh Tiền, khẳng định.

Nhiều học giả bắt đầu nhận định cuộc chiến này đang từng bước biến thành bài kiểm tra sức bền của hai nền kinh tế.

Ông Zheng Yongnian, lãnh đạo Trường Chính sách công thuộc phân hiệu Thâm Quyến của ĐH Hong Kong, đánh giá: "Điều mà Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh là khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trung Quốc nên hướng đến xây dựng hệ thống công nghiệp có khả năng chống chịu kinh tế mạnh mẽ. Chỉ có như vậy mới có thể giành được thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh dài hạn với Mỹ".

Ông cũng nhấn mạnh một khi thuế quan đã vượt qua mốc 60 - 70% thì có tăng tiếp lên 500% cũng vô nghĩa vì ngay từ mức 60% thì việc giao thương đã bất khả thi.

Ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của Ngân hàng đầu tư ING (Hà Lan), cũng nhận xét: "Việc ông Trump thu hẹp trọng tâm thương chiến vào Trung Quốc dẫn đến bài kiểm tra sức bền. Trước mắt có vẻ các nhà làm chính sách sẵn sàng thử nghiệm những lý thuyết kinh tế để xem ai sẽ ngấm đòn và ai sẽ giành lợi thế khi đàm phán".

Ông Elon Li, chủ một xưởng nhỏ ở Quảng Châu chuyên sản xuất thiết bị nấu nướng giá rẻ, cho biết ông không lo lắng về các mức thuế mới của Mỹ vì tất cả đối thủ cạnh tranh của ông cũng đều đặt nhà máy tại Quảng Châu hoặc khu vực lân cận.

Trong khi đó, bà Ling Meilan, chủ xưởng may mặc, cũng bày tỏ niềm tin: "Đất nước chúng ta thực sự đang ngày càng mạnh mẽ. Cá nhân tôi cảm thấy khá hài lòng và rất tin tưởng vào Trung Quốc".

Chia sẻ với South China Morning Post, một lãnh đạo ngân hàng giấu tên ở Bắc Kinh cũng nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các quyết định chính phủ. "Trong ngắn hạn, một số ngành sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng về lâu dài, mọi thứ đều vì đại cục", bà này khẳng định.

Ngày 10-4 thuế với Trung Quốc là 145% do quên cộng mức 20% trước đây

Trong bài đăng thông báo tăng thuế với Trung Quốc, ông Trump khẳng định mức thuế mới là 125%. Tuy nhiên, đến khuya 10-4 (giờ Việt Nam), Đài CNBC dẫn nguồn Nhà Trắng cho biết con số chính xác mà hàng hóa Trung Quốc đang chịu là 145%.

Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này là do ông Trump... quên cộng thêm khoản thuế 20% liên quan đến ma túy mà ông đã áp từ đầu nhiệm kỳ.

Mỹ tạm áp thuế: Thế giới cảnh giác, Trung Quốc phản kháng - Ảnh 4.Tin tức thế giới 11-4: Ông Trump tin sẽ đạt thỏa thuận thuế với Bắc Kinh; Mỹ trừng phạt Iran

Ông Trump kỳ vọng đạt thỏa thuận thuế quan với Chủ tịch Tập Cận Bình; Rơi trực thăng ở New York khiến toàn bộ 6 người tử vong; Tỉ phú Musk tuyên bố giúp Chính phủ Mỹ tiết kiệm 150 tỉ USD... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 11-4.

Thế giới cảnh giác, Trung Quốc phản kháng - Ảnh 3.Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày: phản ứng 'thái quá' nào trên thị trường chứng khoán cũng phải trả giá

Theo các chuyên gia, phản ứng "thái quá" như bán tháo chứng khoán khi tin xấu xuất hiện hoặc mua đuổi khi thị trường tăng nóng đều có thể dẫn đến rủi ro lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên