13/04/2018 10:32 GMT+7

Mỹ - Syria: vì đâu nên nỗi?

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Lời qua tiếng lại giữa Mỹ và Nga vài ngày qua đã đẩy cả thế giới đến mức khó mà nghĩ rằng sẽ không có một cuộc đụng độ quân sự tại Syria.

Mỹ - Syria: vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Nhóm lính Nga đứng (phía xa) trước lối vào trại Wafideen ở Damascus, Syria ngày 12-4 - Ảnh: REUTERS

Cũng thời gian này năm ngoái, Tổng thống Donald Trump khi mới vào Nhà Trắng được hơn 2 tháng đã quyết định giáng một đòn tên lửa tầm xa nhắm vào căn cứ không quân al-Shayrat của chính quyền Syria tại tỉnh Homs. 

Lý do là Mỹ cho rằng vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học diễn ra trước đó tại khu vực Khan Sheikhoun (thuộc tỉnh Idleb do phe đối lập kiểm soát) được thực hiện bởi máy bay của không quân Syria xuất phát từ căn cứ này.

Khi ấy, quyết định của ông Trump khiến công luận bất ngờ, bởi chưa ai mục sở thị sự quyết đoán đến vậy của tân tổng thống Mỹ. Vụ tấn công Shayrat chứng tỏ rằng ông Trump không chấp nhận vượt "làn ranh đỏ" là sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường - điều mà công pháp quốc tế đã ngăn cấm.

Từ những hình ảnh bàng hoàng

Vậy mà ngày 7-4, lại xảy ra một vụ tấn công được Mỹ cho là sử dụng vũ khí hóa học nữa tại thị trấn Douma ở đông bắc khu vực Đông Ghouta kế cận thủ đô Damascus. Douma do phe đối lập kiểm soát từ năm 2012 đến nay và bị quân đội Syria bao vây phong tỏa từ một năm sau đó. 

Thế lực đối lập kiểm soát Douma là Jeish al-Islam, với khoảng 10.000 tay súng tại chỗ. Đạo quân này là dân địa phương, họ có cả một hậu phương vững chắc tại chỗ, với khoảng 400.000 dân. Bởi thế, cuộc bao vây phong tỏa kéo dài nhiều năm qua do chính quyền Syria thực hiện không tiêu diệt được phiến quân ở đây.

Từ giữa tháng 2-2018, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của không quân Nga và đồng minh, quân đội Syria đã thực hiện chiến dịch tấn công tổng lực vào toàn bộ khu vực Đông Ghouta do phiến quân kiểm soát. Chiến dịch này đã thu hồi hai khu vực quan trọng áp sát thủ đô, nhưng Douma không chịu đầu hàng, bất chấp bị tàn phá và chết chóc thảm khốc.

Ngày 4-4, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố ý định "rút sớm quân đội Mỹ, bỏ mặc Syria cho người khác". Tuyên bố này cùng với những diễn biến sau đó trong nội bộ Nhà Trắng khiến chính quyền Syria và đồng minh của họ tin đó là thực tâm, thậm chí quyết tâm của ông Trump, chứ không hề là "đòn nghi binh". 

Phải chăng diễn biến đó đã khiến có suy nghĩ rằng có làm cái gì đi nữa cũng sẽ không gặp phản ứng thái quá từ phía Mỹ?

Những hình ảnh được cho là ghi lại và phát đi tại chỗ từ Douma khiến bất cứ ai chứng kiến cũng phải bàng hoàng. Các hình ảnh này, mà phần lớn là video clip, được phát đi không phải chỉ từ "các nguồn tin phương Tây", mà chủ yếu là do cư dân tại chỗ ghi và phát bằng điện thoại di động, cùng với các nhân viên tình nguyện Ả Rập và quốc tế tại hiện trường, và số đáng kể là các phóng viên chiến trường của các hãng truyền thông Ả Rập mang tầm quốc tế như Al-Jazeera, Al-Arabiya, Asharq al-Awsat, Al-Hayat... Trong khi đó, Nga và Syria cho rằng đó là sự ngụy tạo, do phiến quân làm giả.

Mỹ - Syria: vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Hình ảnh trẻ em ở Douma bị cho là trúng chất độc hóa học từ bom ném xuống khu vực - Ảnh: AFP

Cũng có suy diễn về khả năng phiến quân gây ra thảm sát ngày 7-4 để đổ tội cho chính quyền Syria. Nhưng nếu vậy, chính quyền Syria vẫn phải chịu trách nhiệm vì chỉ có họ mới có kho vũ khí hóa học. Thậm chí Nga cũng liên đới, bởi Nga nhận trách nhiệm trực tiếp giải giáp vũ khí hóa học của Syria hồi năm 2013 và đã khẳng định là không còn vũ khí hóa học ở Syria.

Tình hình khác rồi

Hồi tháng 4 năm ngoái, ông Trump dọa là đánh ngay, nhưng lần này thì rập rình hết "sau 48 tiếng" lại đến "trong 72 giờ tới"! 

Tình hình ở Syria sau một năm đã khác lắm rồi. Chuyển biến quan trọng nhất là Nga đã ổn định được thế quân sự thường trực vững chắc tại Syria, với hai căn cứ quy mô lớn ở vùng duyên hải phía tây bắc nước này.

Hệ thống tên lửa phòng không chiến lược của Nga S-400 đã được triển khai và "kích hoạt". Đó là lý do mà Nga tuyên bố chắc nịch "sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào nhắm vào Syria". 

Mỹ phải tính đến phản ứng "không đùa" của Nga, và phải làm sao để một hành động quân sự "trừng phạt chính quyền Syria" không kích hoạt một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn với cả Nga và Iran.

Cũng có một tia hi vọng le lói, dù rất yếu ớt. Phải chăng ông Trump đang phát huy thành quả chiến thuật "lên gân hết mức" đã áp dụng với Triều Tiên, để buộc Nga phải hạ bớt quyết tâm nhằm ngăn cản khả năng chính quyền Syria sẽ bị Mỹ đánh phá? Hay là Nga sẽ có cách nào đó trừng phạt chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad để tránh bị Mỹ tấn công?

Dù có xảy ra "đòn trừng phạt" nhắm vào Syria thì bản chất cũng chỉ là thể hiện ý chí của tổng thống Mỹ. Sự kiện này không thay đổi được so sánh lực lượng trên thực địa Syria, nơi mà Nga đang thực sự ở thế thượng phong so với tất cả các thế lực khác.

Đang cân nhắc phương án

Hãng thông tấn RIA ngày 12-4 cho hay quân cảnh Nga đã được triển khai tại thị trấn Douma, gần thủ đô Damascus (Syria), để bảo vệ luật pháp và trật tự trong thị trấn. Còn theo hãng tin Reuters, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết tổng thống Mỹ vẫn chưa đưa ra lịch trình cụ thể của cuộc tấn công Syria. Bà Sanders cũng tiết lộ ông Trump có một số lựa chọn khác, không chỉ quân sự, đối với Syria.

Trong khi tổng thống Mỹ dọa "tất cả các phương án đều đang được cân nhắc" thì các nguồn tin nói với đài BBC rằng Thủ tướng Anh Theresa May đang tìm cách tham gia hành động ở Syria mà không cần thông qua quốc hội. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng được cho là sẽ đưa ra quyết định về cáo buộc vũ khí hóa học ở Syria trong vài ngày tới. (N.Đ.)

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên