Con đường đi bộ nằm trong vùng lõi đền tháp Mỹ Sơn vừa được lát lại loại đá mới màu xám trắng (ảnh chụp đoạn đi qua tháp K) |
Một vị GS.TS, chuyên gia ngành trùng tu di tích, sau khi tham quan di tích quốc gia đặc biệt và là di sản thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) nhận xét như trên.
Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của vị GS sau một ngày mục kích Mỹ Sơn.
Tháp cổ trở thành hiện vật trưng bày
Điều đập vào mắt trước tiên là hệ thống công trình mới xây hoành tráng gồm cổng vòm rộng chừng 10m và cao khoảng 8m. Cạnh bên là nhà bán vé, nhà vệ sinh lẫn hệ thống nhà xe, bãi đỗ...
Ngay sau cổng soát vé, cả phía bên phải lẫn bên trái là những dãy nhà lớn, gồm nhà làm việc của ban quản lý, nhà bảo tàng, nhà ở của chuyên gia và nhiều công trình khác nằm san sát.
Qua khỏi cầu vắt ngang khe Thẻ, cạnh dãy nhà dịch vụ và dành cho xe điện, bất ngờ xuất hiện con đường bêtông vừa xây mới, “đỏ chạch” suốt tuyến rất chói mắt trong khung cảnh rừng núi, khe suối hai bên.
Khi vừa xuống xe điện là con đường nhánh từ nhà chờ xe trung chuyển dẫn vào hai nhóm tháp E, F vừa được thi công, lát bằng loại đá màu xám trắng phẳng phiu, rất “cứng” và rất chỏi so với khung cảnh ở đây.
Chưa hết, khó chịu nhất vẫn là hai công trình lớn gồm nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm rộng hàng trăm mét vuông, trước mặt là ngôi nhà bán hàng lưu niệm, nằm giữa vùng lõi của các nhóm tháp.
Hai công trình rất lớn này nằm ngay dưới ngọn đồi nhóm tháp H, chỉ cách các nhóm tháp B, C, D và nhóm tháp E, F chưa đầy 100m...
Một nhà nghiên cứu gắn bó nhiều năm với di tích Mỹ Sơn nhận xét: “Con đường cũ lát đá phiến màu nâu vốn rất dễ chịu và hài hòa, tại sao không sửa chữa mà lại đi lát bằng đá trắng xám vuông vức rất sáng, rất cứng và chỏi so với cảnh quan Mỹ Sơn?!”.
Còn vị GS.TS đã nhắc ở trên cho rằng cả cổng, những khu nhà dịch vụ và nhất là con đường đều quá lớn và không phù hợp với Mỹ Sơn.
Nhất là những công trình nằm trong vùng lõi, ngay sát di tích rất không cần thiết vì cách đó vài trăm mét đã có nhà dịch vụ tương tự (ở khu vực nhà chờ xe trung chuyển), trong khi nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan di tích.
“Những công trình này làm cảnh quan môi trường biến đổi. Các di tích vốn dĩ đứng trong môi trường trở thành những hiện vật được trưng bày. Đang có hiện tượng công viên hóa di tích ở Mỹ Sơn!” - vị này nói.
Từ nhà biểu diễn nghệ thuật nhìn ra, nhóm tháp B, C, D trông như “hiện vật trưng bày” - Ảnh: Thái Lộc |
Thay đổi vật liệu nên không cần xin phép?
Theo ông Đặng Hữu Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện Duy Xuyên, hai tuyến đường do ban này làm chủ đầu tư, thực hiện trong năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 9 tỉ đồng.
Tuyến đường bêtông màu đỏ rộng 5m, dài 1,8km, được thực hiện có văn bản thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL. Còn tuyến đường nhánh dài hơn 700m, rộng 2m dù nằm trong vùng lõi di tích, nhưng chỉ tháo đá cũ và lát lại đá mới trên nền cũ nên không cần xin phép Bộ VH-TT&DL.
“Con đường này trước đó cũng là đường 2m y như vậy, lót bằng đá sa thạch của Mỹ Sơn. Đá cũ không quy cách, lởm chởm nguy hiểm đối với du khách. Vì vậy huyện chủ trương cho lát lại bằng đá bằng phẳng phục vụ đi bộ, chứ không thay đổi hiện trạng nên không xin phép!” - ông Phúc nói.
Ông Phan Hộ - trưởng Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn - cho biết nhóm công trình ở cổng vào do đơn vị này lập dự án xây dựng và hoàn thành trong năm 2015, với tổng mức đầu tư hơn 3 tỉ đồng, cũng không cần xin phép Bộ VH-TT&DL vì nằm ngoài vùng lõi của di tích.
Riêng khu nhà biểu diễn và khu nhà dịch vụ thì mới sửa chữa, nâng cấp trong năm 2013, nằm trong vùng lõi di tích nhưng cũng không xin phép bộ với lý do: đây là hai khu nhà đã có từ trước, “làm lại theo nguyên trạng nên không cần xin phép”.
Ông Hồ Xuân Tịnh - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam - xác nhận nhiều công trình sửa chữa và xây mới ở Mỹ Sơn do huyện Duy Xuyên thực hiện, không tham khảo ý kiến chuyên môn của sở. Ông đồng ý quan điểm làm lại con đường trên nền đường cũ và làm lại công trình từ công trình cũ để phục vụ du khách thì không cần phải xin phép Bộ VH-TT&DL vì các công trình đã có sẵn từ lâu rồi, nay làm lại nhằm phục vụ du khách, hoàn toàn không xâm phạm gì đến dưới lòng đất.
Theo ông Tịnh, định hướng quy hoạch trong tương lai sẽ dời hai công trình nằm trong vùng lõi di tích ra ngoài. Với nhiều công trình mới xây dựng ở Mỹ Sơn, ông cũng thừa nhận: cổng vào thì “hơi hoành tráng”; con đường bêtông màu đỏ thì “màu nổi quá”; con đường lát lại đá xám trắng “thiếu cẩn thận lựa chọn màu sắc”, và có lẽ sẽ xử lý lại màu sắc cho đỡ chói...
Nhưng nhìn từ việc “sửa sang” Mỹ Sơn và đối chiếu với khoản 3, điều 32 Luật di sản văn hóa, rõ ràng cơ quan chức năng chưa có câu trả lời thỏa đáng.
“Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích” - trích khoản 3, điều 32 Luật di sản văn hóa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận