Sinh viên, giảng viên và các nhà tài trợ đã lên án nhiều trường đại học ở Mỹ vì thất bại trong việc xác định ranh giới giữa tự do ngôn luận và phát ngôn thù địch, trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình bùng nổ liên quan xung đột Israel - Hamas diễn ra tại khuôn viên các trường.
Trong số các vụ việc, cảnh sát Mỹ đang điều tra nhiều đe dọa nhắm vào một căng tin phục vụ thực phẩm kosher (phù hợp với luật ăn uống của người Do Thái) tại Đại học Cornell, bang New York (Mỹ).
Đại học Stanford, bang California ghi nhận một vụ đâm xe bỏ trốn liên quan đến phân biệt chủng tộc khiến một sinh viên Ả Rập bị thương.
Trong tuần qua, Đại học Columbia ở New York cũng ghi nhận nhiều áp phích với dòng chữ "bị bắt cóc" với thông tin của hơn 220 con tin đang trong sự kiểm soát của Hamas bị xé bỏ hoặc có nhiều vết chém. Một số tấm đã được dán lại bằng băng keo.
Tại một cuộc biểu tình ở một đài tưởng niệm trong khuôn viên trường vào ngày 9-11, sinh viên Ahmed người Palestine cho rằng Đại học Colombia đã thất bại trong việc điều tra các trường hợp bài trừ Hồi giáo.
"Mất 10 ngày để xin phép cho sự kiện này (việc biểu tình), nhưng mỗi ngày có hàng trăm người thiệt mạng ở Dải Gaza", báo Financial Times dẫn lời anh Ahmed.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các bên đang không hiểu rõ các cụm từ mà họ dùng để lên án lẫn nhau.
Một học giả cấp cao tại Đại học Colombia nhận định: "Sự thiếu hiểu biết của những thanh niên ưu tú này cho thấy sự thất bại của chúng ta với tư cách là một tổ chức giáo dục".
Người này ủng hộ việc tổ chức các phiên nhằm thảo luận và giải thích ý nghĩa của các từ đang được sử dụng trong các cuộc tranh cãi hiện nay, như chủ nghĩa thực dân, diệt chủng, holocaust (thảm họa diệt chủng người Do Thái) và apartheid (chế độ phân biệt chủng tộc trước đây tại Nam phi).
Đại học Colombia hôm 10-11 cũng đình chỉ phong trào Sinh viên vì Công lý cho Palestine, cho rằng cuộc biểu tình của nhóm này là trái phép.
Trước đó vào ngày 8-11, Đại học Brandeis, bang Massachusetts cũng ra thông cáo không còn công nhận phong trào Sinh viên vì Công lý cho Palestine tại trường này, theo Hãng tin AP.
Chủ tịch Ron Liebowitz của Brandeis cho rằng phong trào này ủng hộ Hamas và đã kêu gọi "loại bỏ Israel và người Do Thái bằng bạo lực".
Đại học Brandeis được một cộng đồng Mỹ gốc Do Thái thành lập vào năm 1948.
Trong khi đó, vào ngày 9-11, ban điều hành Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đình chỉ học một số sinh viên tham gia biểu tình liên quan đến xung đột Israel - Hamas. Nhóm này đã chiếm một tòa nhà của trường trong nhiều giờ và từ chối rời đi theo hạn định.
Chủ tịch MIT Sally Kornbluth đã gửi thư đến sinh viên, nhấn mạnh giới hạn của việc biểu tình trong khuôn viên trường, và mô tả cuộc biểu tình của nhóm ủng hộ Palestine là "gây cản trở" và "ồn ào".
Trong bầu không khí căng thẳng diễn ra trong khuôn viên của các đại học Mỹ hiện nay, nhiều bên đã đe dọa sẽ rút tài trợ. Hàng chục hãng luật cũng cảnh báo rằng họ sẽ không thuê sinh viên đồng tình với tư tưởng bài Do Thái, một số lời đề nghị làm việc cũng đã bị hủy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận