16/07/2020 07:56 GMT+7

Mỹ sắp thử vắcxin phòng COVID-19 với 30.000 người

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Một loại vắcxin phòng COVID-19 do Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ bào chế đã bước đầu chứng minh có khả năng tạo ra các phản ứng miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân với virus corona.

Mỹ sắp thử vắcxin phòng COVID-19 với 30.000 người - Ảnh 1.

Công ty dược Moderna sắp thử nghiệm vắcxin phòng bệnh COVID-19 với 30.000 người - Ảnh: Reuters

Mấu chốt của một vắcxin là nó có thể bắt chước sự lây nhiễm tự nhiên. Và khi sự bắt chước lây nhiễm tự nhiên này kết thúc, nó sẽ tạo ra hệ miễn dịch. Có vẻ như việc thử nghiệm trên một số ít người vừa qua đang đi đúng hướng.

Bác sĩ Anthony Fauci nhận xét kết quả thử nghiệm vắcxin của Moderna

Không lâu sau khi tạp chí y học New England đăng bài viết về kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 đầy hứa hẹn của loại vắcxin do Moderna phát triển, ngày 14-7 phía Moderna thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 với 30.000 người Mỹ cuối tháng này.

Đua về vạch đích

Trong giai đoạn 1 của thử nghiệm, từ tháng 3-2020, 45 tình nguyện viên 18-55 tuổi, khỏe mạnh, được chia làm 3 nhóm để thử các liều vắcxin 25 micrograms, 100 micrograms và 250 micrograms và tiêm nhắc lại liều tương tự sau 28 ngày.

Sau mũi tiêm thứ nhất, lượng kháng thể bắt đầu xuất hiện. Người được tiêm liều cao có nhiều kháng thể hơn. Sau mũi tiêm thứ hai, lượng kháng thể của các tình nguyện viên cao hơn lượng kháng thể của phần lớn các bệnh nhân đã nhiễm COVID-19 và kháng thể tiếp tục được tạo ra trong cơ thể.

Không có phản ứng phụ nào nghiêm trọng được ghi nhận. Hơn một nửa tình nguyện viên cho biết cơ thể có những phản ứng giống như sau khi tiêm các loại vắcxin khác như mệt mỏi, nhức đầu, ớn lạnh, sốt và đau nhức.

Ở 3 bệnh nhân được tiêm liều mạnh nhất, những phản ứng này nặng hơn, do đó các nhà khoa học không nghiên cứu liều 250 micrograms.

Có 3 tình nguyện viên không tiêm mũi thứ hai. Một người bị phát ban trên da ở cả hai chân và hai người không thể tiêm vì họ có triệu chứng nhiễm COVID-19, dù các xét nghiệm sau đó cho kết quả âm tính.

Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận có vài phản ứng sau tiêm giống như triệu chứng nhiễm COVID-19 nhưng chỉ khoảng một ngày.

Moderna cũng đang có một đợt thử nghiệm với người lớn tuổi nhưng chưa có kết quả cuối cùng.

Để tạo ra một loại vắcxin an toàn và hiệu quả, quy trình chuẩn đòi hỏi 10-15 năm nhưng cuộc đua tìm ra vắcxin phòng COVID-19 trên thế giới đang được đẩy hết tốc lực. Các công ty, được sự hậu thuẫn về chính sách, đốt cháy giai đoạn bằng cách thử nghiệm các giai đoạn khác nhau cùng lúc.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Mỹ, đánh giá hiệu quả của loại vắcxin của Moderna là "đáng khích lệ". Viện của ông Fauci là cơ quan cùng phát triển loại vắcxin này với Moderna.

Trong khi đó, cộng đồng khoa học cho biết họ sẽ chưa đưa ra đánh giá nào cho tới khi nhận được báo cáo đầy đủ bao gồm những đánh giá của các đồng nghiệp và chuyên gia.

Chờ kết quả cuối năm

Trong giai đoạn 3, Moderna sẽ tuyển 30.000 tình nguyện viên ở Mỹ gồm cả những người lớn tuổi, người bị bệnh mãn tính, người gốc Phi và gốc Latin ở Mỹ, bắt đầu từ ngày 27-7-2020 trong hai năm. Đây sẽ là cuộc nghiên cứu vắcxin COVID-19 lớn nhất thế giới tính đến lúc này, theo AFP.

Một nửa trong số các tình nguyện viên sẽ được tiêm liều vắcxin 100 micrograms và nửa còn lại được tiêm giả dược. Các nhà khoa học sau đó sẽ theo dõi các tình nguyện viên trong 2 năm để ghi nhận các chỉ số chứng tỏ họ được bảo vệ khỏi virus corona.

Ở những người tiêm vắcxin vẫn bị nhiễm virus và có triệu chứng mắc bệnh COVID-19, vắcxin vẫn được xem là có hiệu quả nếu ngăn chặn được các ca bệnh nặng.

Bác sĩ William Schaffner thuộc Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt, chuyên gia về vắcxin nhưng không tham gia cuộc nghiên cứu, nhận xét đây là một kết quả "bước đầu tiên tốt đẹp". Ông tin rằng đợt thử nghiệm diện rộng sắp tới có thể cho kết quả vào cuối năm nay.

Amesh Adalja - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của Đại học Johns Hopkins, Mỹ - cho biết hiệu quả thử nghiệm của vắcxin do Moderna phát triển rất hứa hẹn. Tuy nhiên, từ kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đến kết quả thực tế còn là một khoảng cách.

Các nhà khoa học cảnh báo loại vắcxin đầu tiên đưa ra thị trường có thể không phải là loại tốt nhất hoặc hiệu quả nhất.

13,4 triệu

Moderna là một trong những công ty đang dẫn đầu thế giới trong cuộc đua tìm ra vắcxin chống lại virus corona, hiện đã lây nhiễm cho hơn 13,4 triệu người trên toàn cầu và làm hơn 581.000 người thiệt mạng.

Vắcxin của Moderna là vắcxin thế hệ mới sử dụng vật liệu di truyền, dưới dạng RNA để mã hóa các thông tin cần thiết nhằm phát triển các protein sợi của virus bên trong cơ thể, để kích thích phản ứng miễn dịch. Protein sợi (spike protein) là một phần của virus, được sử dụng để xâm nhập vào tế bào cơ thể người.

Ưu điểm của công nghệ này là nó bỏ qua sự cần thiết phải sản xuất protein của virus trong phòng thí nghiệm, do đó có thể nhanh chóng sản xuất hàng loạt. Cho đến nay, chưa có vắcxin nào sử dụng công nghệ này từng được phê duyệt.

Hiện Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh COVID-19 với hơn 3,5 triệu người nhiễm và hơn 139.000 người tử vong.

Nhiều nước tái phong tỏa để ngăn các ổ dịch mới

corona ấn độ check mumbai reuters 2(read-only)

Một quan chức y tế Ấn Độ kiểm tra thân nhiệt một người dân ở Mumbai ngày 13-7 - Ảnh: Reuters

Hàng triệu người phải đối mặt với các biện pháp hạn chế sự lây lan của virus corona vào ngày 15-7 khi thế giới chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19. Nhiều quốc gia đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại để xử lý các ổ dịch mới.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dù một số nước đã thắng lợi trong cuộc chiến chống lại virus corona nhưng một số nước khác lại đang nổi lên các bằng chứng mới cho thấy COVID-19 vẫn là mối đe dọa chết người, theo Hãng tin AFP.

Các quán bar, phòng tập gym và tiệm làm đẹp ở Hong Kong đã đóng cửa lần nữa vào ngày 15-7. Chính quyền Hong Kong cũng đã cấm tụ tập trên 4 người ở nơi công cộng. Tất cả hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở Hong Kong buộc phải đeo khẩu trang hoặc chịu phạt 650 USD.

Tại Nhật, thống đốc thủ đô Tokyo cũng cảnh báo rằng thành phố này đang ở mức cảnh báo cao nhất đối với dịch COVID-19 sau khi liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm tăng ở mức kỷ lục. Tokyo đã ghi nhận khoảng 200 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày trong gần một tuần qua, các cụm COVID-19 tập trung tại các khu đèn đỏ của thủ đô Nhật.

Bang Bihar của Ấn Độ, với 125 triệu dân, tuyên bố 15 ngày phong tỏa chống COVID-19 bắt đầu từ 16-7. Trung tâm công nghệ thông tin Bangalore của nước này cũng đã bắt đầu phong tỏa toàn khu vực trong thời gian một tuần. Hiện Ấn Độ có 937.844 ca nhiễm và 24.327 người chết vì COVID-19, theo trang worldometers.info.

Trong khi đó, các quan chức Úc ngày 15-7 kêu gọi công chúng tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn virus corona tiếp tục lan rộng. Thành phố Melbourne 5 triệu dân của Úc đã bắt đầu phong tỏa từ tuần trước để xử lý ổ dịch mới bùng phát tại đây. Kể từ tuần sau, người dân ở Vương quốc Anh buộc phải đeo khẩu trang khi mua sắm tại các cửa hàng và siêu thị. Nam Phi cũng tái áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc để ngăn chặn "cơn bão virus corona".

ANH THƯ

Thêm 1 triệu ca nhiễm COVID-19: Trước mất 3 tháng, giờ chỉ 5 ngày Thêm 1 triệu ca nhiễm COVID-19: Trước mất 3 tháng, giờ chỉ 5 ngày

TTO - Sau khi được ghi nhận lần đầu tiên ở Trung Quốc cuối năm 2019, mất 3 tháng để số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lên tới 1 triệu. Nhưng vào ngày 13-7, tổng số ca nhiễm tăng từ 12 triệu lên 13 triệu chỉ mất 5 ngày.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: COVID vắcxin Moderna