20/12/2018 16:53 GMT+7

Mỹ rút quân khỏi Syria: Tất cả đều sốc

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Một lần nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giữ đúng lời hứa tranh cử khi ra lệnh rút hết quân khỏi Syria, nhưng để thấy hết các hệ quả của quyết định gây tranh cãi này cần có thêm thời gian.

Mỹ rút quân khỏi Syria: Tất cả đều sốc - Ảnh 1.

Binh sĩ Mỹ quan sát khu vực ở Manbij, Syria, trong cuộc tuần tra hỗn hợp với lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 11-2018 - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, lực lượng quân sự Mỹ gồm khoảng 2.000 người sẽ rút khỏi Syria trong khoảng thời gian 60-100 ngày, riêng toàn bộ nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ được di tản trong vòng 24 giờ kể từ khi Tổng thống Trump có lệnh.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một trong những đồng minh Cộng hòa của ông Trump, đã phải thốt lên cụm từ "sai lầm kiểu Obama" khi nghe tin Tổng thống ra lệnh rút quân lập tức khỏi Syria.

"Sai lầm kiểu Obama" được hiểu là quyết định rút quân khỏi Iraq hồi năm 2011 của cựu Tổng thống Barack Obama, vốn bị giới phê bình chỉ trích là tạo điều kiện cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy.

Tất cả đều kinh ngạc

Có một sự ngỡ ngàng bao trùm Washington và một số thủ đô sau quyết định rút quân chóng vánh Nhà Trắng công bố ngày 19-12.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker không giấu nổi cảm xúc: "Cảm nhận của tôi là cả Nhà Trắng đều bị sốc. Khó mà hình dung có vị tổng thống nào vừa ngủ dậy rồi lập tức đưa ra quyết định mà không cần trao đổi hoặc chuẩn bị. Ý tôi là hình như chúng ta đang rút quân ngay lúc này đây!".

Ông Trump đăng những dòng đầu tiên trên mạng xã hội vào tối thứ Tư (19-12), trong đó ông ca ngợi chiến thắng của lực lượng Mỹ trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). "Các chàng trai và cô gái của chúng ta đang về nhà, họ đang về ngay lúc này đây. Chúng ta đã thắng và đó là điều họ mong muốn" - ông viết.

Theo Đài CNN, trong các cuộc thảo luận khẩn trương vài ngày qua, nhiều cố vấn hàng đầu đã cảnh báo ông Trump về quyết định rút quân khỏi Syria, rằng điều này đồng nghĩa với thoát ly khỏi khu vực và cho phép các quốc gia đối thủ mở rộng tầm ảnh hưởng.

Các nhân vật phản đối bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.

Đáng chú ý, Đài CNN dẫn các nguồn tin ngoại giao từ Nga và Iran tiết lộ họ không được tham vấn hay thông báo trước về quyết định của Washigton, rằng tin tức đó "là một ngạc nhiên toàn tập".

Ông Trump dường như chỉ thông báo cho một đồng minh quan trọng trước hai ngày: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Theo thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Israel, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo đã trấn an họ rằng Mỹ "có những các khác để thể hiện sức ảnh hưởng trong khu vực".

Mỹ rút quân khỏi Syria: Tất cả đều sốc - Ảnh 2.

Binh sĩ Mỹ (phải) trao đổi với binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tuần tra hỗn hợp ở Manbij, Syria, vào đầu tháng 11-2018 - Ảnh: REUTERS

Lựa chọn duy nhất?

Mặc dù Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng ở Iraq với khả năng mở cuộc tấn công sang Syria bất cứ lúc nào, nhiều nhà phân tích lại "lắc đầu", cho rằng rút quân chỉ làm hài lòng các đối thủ của Mỹ, cụ thể là Nga và Iran, thông qua việc dọn đường cho chính quyền Tổng thống Bashar al Asssad - nhân vật ngay từ đầu Mỹ đã muốn loại bỏ.

Xung quanh quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump, giới quan sát tại Nga có nhiều cách lý giải khác nhau.

Chuyên gia Andrei Suzdaltsev, Trường Kinh tế cao cấp Matxcơva, nhận định trong bối cảnh quân đội Nga đang chiếm ưu thế tại Syria, Mỹ rút quân nhằm tránh việc phải phân chia vùng ảnh hưởng với Nga tại đây.

"Nếu Mỹ ở lại, sẽ phát sinh vấn đề phân chia vùng ảnh hưởng, mà quan điểm của họ không ăn nhập gì với Nga. Mỹ không công nhận Nga là đối tác, nên họ không thể đàm phán vùng ảnh hưởng, do đó ra đi là lựa chọn duy nhất" - ông Suzdaltsev bình luận.

Chuyên gia Vladimir Bruter, Viện Nghiên cứu chính trị và nhân văn quốc tế, thì cho rằng Washington muốn "bắn 3 mục tiêu" với quyết định rút quân khỏi Syria ngay thời điểm này.

"Vấn đề là Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria, Mỹ quyết định quan hệ với Ankara quan trọng hơn là bảo vệ người Kurd - đây là mục tiêu thứ nhất. Thứ hai, do chính quyền Damascus đứng vững, trước sau gì Mỹ cũng phải rút quân. Thứ ba, gây bất ngờ cho tất cả các bên" - ông Bruter giải thích.

Nga hoan nghênh Mỹ rút quân

"Một lịch sử hết sức quan trọng có thể bắt đầu từ quyết định này. Đây là triển vọng thật sự cho một giải pháp chính trị tại Syria" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ca ngợi.

Bà Zakharova cũng không quên "nhắc" rằng quân đội Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Syria một cách "bất hợp pháp", không có sự cho phép của chính phủ nước này hoặc nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

"Việc quân đội Mỹ rút khỏi các cứ điểm như Al- Tanf và Rukban mở ra triển vọng cuộc sống hòa bình sẽ quay lại, giống như Aleppo và nhiều thành phố khác" - bà nhấn mạnh.

Tổng thống Putin: Syria cho quân đội Nga kinh nghiệm chiến đấu "hiếm có" Fan Syria: "Cám ơn ngài Putin và nước Nga công bằng" Tổng thống Syria dọa Mỹ nên nhớ ‘bài học Iraq’
PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên