10/05/2018 11:43 GMT+7

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran: Không bất ngờ!

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Không có gì quá ngạc nhiên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ cùng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đã ký với Iran hồi tháng 7-2015.

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran: Không bất ngờ! - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và bản tuyên bố có chữ ký của ông, rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - Ảnh: Reuters

Ngay khi tiến hành chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump đã công khai công kích thỏa thuận mà cựu tổng thống Barack Obama ký với Iran là một trong những thỏa thuận "tồi tệ nhất". Khi ấy, ông Trump đã tuyên bố là nếu trở thành tổng thống ông sẽ hủy bỏ thỏa thuận này.

"Ý chí Donald Trump"

Cam kết của ông Trump phù hợp với đường lối của ông tại Trung Đông, trong đó coi Iran là nguyên nhân gây mất ổn định trong khu vực, đe dọa các đồng minh của Mỹ là Israel và Ả Rập; đồng thời cáo buộc Iran là "quốc gia lớn nhất bảo trợ khủng bố"! Ông Trump cho rằng thỏa thuận mà ông Obama đã ký với Iran không đảm bảo ngăn cấm Iran sở hữu vũ khí nguyên tử sau năm 2025; không đả động gì đến việc Iran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của nước này và không ngăn chặn điều mà ông Trump cho là Iran "gây mất ổn định tại các quốc gia láng giềng" như Iraq, Syria, Libăng, Yemen, Bahrain...

Sau khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump không ngừng thực hiện cho được cam kết của mình nhằm "kết liễu" thỏa thuận hạt nhân với Iran. Cuối năm 2017, ông đã đưa ra thời hạn 6 tháng cho việc xem xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Rồi ông công khai đòi sửa đổi và bổ sung thỏa thuận này nếu muốn Mỹ ở lại.

Ông Trump đã bất chấp mọi sự can ngăn từ các quốc gia đồng minh Tây Âu, bất chấp việc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiều lần khẳng định Iran "vẫn thực hiện đầy đủ mọi cam kết mà họ đã ký", để tiếp tục hành động theo hướng xóa bỏ thỏa thuận này; mà nếu không xóa được thì Mỹ đơn phương rút bỏ.

Đỉnh điểm của "ý chí Trump" là việc cách chức các nhân vật thân cận nhất của mình là ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia vì hai ông này đã tham mưu cho tổng thống những phương án ôn hòa hơn, để không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thay vào đó, Tổng thống Trump bổ nhiệm hai nhân vật vốn có quan điểm rất cứng rắn với Iran và luôn phản đối thỏa thuận mà Obama đã ký. Đó là giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo vào vị trí ngoại trưởng và John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống.

Rút khỏi JCPOA là quay lưng lại với các đồng minh thân thiết nhất và một thỏa thuận mà các nhà ngoại giao, khoa học, tình báo và chuyên gia hàng đầu của chúng ta đã đàm phán

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama

Iran cứng rắn và uyển chuyển

Cho đến trước ngày ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, phía Iran vẫn thống nhất lập trường không khoan nhượng với các đòi hỏi của Mỹ. Ngày 7-5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani còn tuyên bố tại một sự kiện được truyền hình trực tiếp: "Nếu họ (Mỹ) muốn làm suy yếu Iran và ngăn chặn ảnh hưởng của chúng ta ở khu vực và trên thế giới, chúng ta sẽ quyết liệt chống lại họ"!

Trước đó ngày 6-5, ông Rouhani còn đe dọa thẳng thừng rằng "Mỹ sẽ chuốc lấy những hậu quả khủng khiếp nếu rút khỏi thỏa thuận". Cứng rắn hơn, Ali Akba’r Waliyati - cố vấn của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei về quan hệ quốc tế - nói Iran sẽ tái làm giàu uranium hàm lượng 20%. Còn Hussein Salami - phó tư lệnh vệ binh cách mạng Iran - thì nói trắng ra là nước này sẽ rút khỏi thỏa thuận và còn rút khỏi hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nữa.

Lập trường của Iran đối với Mỹ không hoàn toàn thống nhất. Giới giáo sĩ trong cơ chế giáo quyền do lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đứng đầu luôn duy trì quan điểm đối đầu với Mỹ. Còn bên được coi là ôn hòa, với Tổng thống Rouhani và Ngoại trưởng Zareef đại diện, thì uyển chuyển hơn.

Sáng 8-5, chỉ ít giờ trước khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, Tổng thống Rouhani đã tuyên bố tại một hội nghị dầu lửa ở Tehran: "Chúng ta có thể phải đối phó với những khó khăn trong 2-3 tháng tới, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Nhưng chúng ta sẽ vượt qua... Chúng ta muốn tiếp tục làm việc với thế giới và tham gia cùng xây dựng thế giới".

Tổng thống Iran thực sự muốn thỏa thuận không đổ vỡ, bởi đây là thành quả đối ngoại lớn nhất và cũng là hiếm hoi mà chính quyền Rouhani đạt được trong nhiệm kỳ của mình.

Thỏa thuận vẫn tồn tại. Nhưng một khi Mỹ đã rút ra với lập trường đầy thù địch chống Iran thì những diễn biến tiếp theo trong quan hệ Mỹ - Iran sẽ còn tiếp diễn căng thẳng hơn bao giờ hết!

Phản ứng trái chiều

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, các nước tham gia thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) là Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc đã ra tuyên bố "lấy làm tiếc và quan ngại", đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cam kết với thỏa thuận.

Đại diện cao cấp của EU về chính sách đối ngoại và quốc phòng Federica Mogherini khẳng định châu Âu có quyền hành động vì lợi ích của mình, trong khi chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cam kết châu Âu sẽ phản ứng đồng lòng. Liên Hiệp Quốc cũng lập tức lên tiếng kêu gọi các nước thành viên ủng hộ thỏa thuận Iran. "Tôi kêu gọi các bên còn lại trong JCPOA tôn trọng các cam kết trong JCPOA và tất cả các nước thành viên khác ủng hộ thỏa thuận này" - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tuyên bố.

Đặc phái viên Trung Quốc về Trung Đông Cung Tiểu Sinh nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với tất cả các bên liên quan đến JCPOA. Tương tự, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết Tokyo sẽ tiếp tục thảo luận với các nước liên quan hướng tới việc duy trì JCPOA.

Tuy nhiên, một số đối trọng của Iran ở khu vực như Saudi Arabia và Israel lại hoan nghênh động thái của ông Trump. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố "hoàn toàn ủng hộ" việc tổng thống Mỹ rút khỏi một thỏa thuận "thảm họa". (TRẦN PHƯƠNG)

Iran sẽ theo đuổi thỏa thuận hạt nhân, bất chấp Mỹ

TTO - Tổng thống Hassan Rouhani khẳng định Iran luôn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký với nhóm P5+1 và sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận bất chấp quyết định rút lui của Washington.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên