TTCT - Chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng vũ trang hạt nhân tầm trung (INF), cho dù khung cảnh loan báo có khác thường vẫn gây ra suy nghĩ từ nhiều phía. Thật ra ông Trump đang làm gì và muốn gì? Ông Gorbachev (trái) và ông Reagan ký INF ở Washington năm 1987. Ảnh: Time Trong số những người phản ứng có một trong hai nhân vật đã ký tên lên bản hiệp ước này trưa 8-12-1987 tại Nhà Trắng: cựu chủ tịch kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev. Người kia, Tổng thống Ronald Reagan, đã ra người thiên cổ từ năm 2004. Ông Gorbachev phát biểu rằng kế hoạch rút khỏi hiệp ước từ thời chiến tranh lạnh này của ông Trump là một sự đảo ngược những nỗ lực giải trừ hạt nhân của hai ông Gorbachev và Reagan. Hiệp ước INF, có tên chính thức là “Hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Liên Xô về việc loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn”, nhằm loại bỏ tất cả các tên lửa hạt nhân và quy ước cùng các bệ phóng có tầm bắn trong phạm vi 500-1.000km (tầm ngắn) và 1.000-5.500km (tầm trung). Hiệp ước không bao gồm tên lửa phóng từ biển. Kết quả của hiệp ước này là cho đến tháng 5-1991 đã loại bỏ xong 2.692 tên lửa, được xác minh tại chỗ trong suốt 10 năm sau đó. Vội vàng hay có tính toán Nếu chứng kiến thời khắc ông Trump tuyên bố rút khỏi INF, sẽ thấy về mặt hình thức một tuyên bố trọng đại như thế không ở trong một bối cảnh trịnh trọng tương xứng. Lúc đó là 12g54 trưa 20-10, tại sân bay Elko (tiểu bang Nevada), trong khi chờ chiếc Không lực 1 khởi hành, ông Trump đã có cuộc trả lời báo chí tháp tùng sau chuyến đi vận động tranh cử cho hai ứng viên Cộng hòa tại bang Nevada. Ông Trump khởi đầu bằng một nhận xét về cuộc vận động tranh cử hai đảng Cộng hòa mà ông vừa góp phần, thượng nghị sĩ Dean Heller tái tranh cử và tổng chưởng lý tiểu bang Nevada Adam Laxalt tranh chức thống đốc. Các nhà báo đặt câu hỏi về vụ giết người trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, mà theo lời ông Trump, vấn đề lớn là: “Chúng ta có đặt hàng 450 tỉ USD thiết bị và các thứ từ Saudi Arabia, trong đó có 100 tỉ USD là hàng quân sự. 450 tỉ USD, tôi nghĩ đó là hơn 1 triệu chỗ làm. Hủy một đơn hàng cỡ đó chẳng giúp ích gì cho chúng ta. Hại chúng ta hơn là hại họ”. Rồi đến chuyện đóng cửa biên giới với Mexico. Bất chợt, một nhà báo hỏi: “Thông điệp mà đại sứ Bolton (John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump) mang đến cho người Nga sẽ là gì? Liệu ông ấy có rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí?”. Câu trả lời của ông Trump thật bất ngờ, thậm chí phải nói là kinh thiên động địa: “Đúng vậy. Nga đã vi phạm thỏa thuận. Họ đã vi phạm trong nhiều năm. Và tôi không biết tại sao Tổng thống (Barack) Obama không thương thuyết lại hay rút ra. Chúng tôi sẽ không để cho họ vi phạm thỏa thuận hạt nhân rồi cứ sản xuất vũ khí. Chúng tôi không được phép để như thế. Chúng ta đã tiếp tục thỏa thuận và đã tôn trọng nó. Nhưng Nga thì, bất hạnh thay, đã không tôn trọng thỏa thuận này. Vì vậy, chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận và sẽ rút ra khỏi INF”. Một cuộc hỏi đáp chờ máy bay cất cánh không phải là dịp để đưa ra phát biểu mang tính sát phạt cỡ đó. Hai ngày sau, đầu giờ chiều 22-10, trên bãi cỏ phía nam Nhà Trắng trước khi lên chiếc Không lực 1, ông Trump lại “giữa đường” trả lời các nhà báo. Hỏi: “Tổng thống có chuẩn bị xây dựng kho vũ khí hạt nhân không? Ngài đã nói rằng sẽ ra khỏi thỏa thuận vũ khí”. Ông Trump: “Chừng nào người ta chưa thức tỉnh nhận thức, chúng ta sẽ phát triển (vũ khí hạt nhân). Nga chưa tham gia thỏa thuận. Lẽ ra họ phải tham gia từ nhiều năm trước. Chúng ta sẽ xây dựng kho vũ khí hạt nhân... chúng ta có nhiều tiền nhất”. Hỏi: “Liệu đó có phải là một lời đe dọa gửi đến Vladimir Putin?”. Ông Trump: “Muốn gọi là đe dọa hay là gì thì tùy. Bao gồm luôn cả Trung Quốc nữa, cùng với Nga và bất cứ ai muốn giở trò. Họ không thể giở trò được. Không thể giở trò với tôi được đâu”. Hỏi: “Nói vậy có nghĩa là ngài muốn có thêm vũ khí hạt nhân? Ngài sẽ xây dựng kho vũ khí hạt nhân?”. Ông Trump: “Chừng nào họ khôn ngoan lại mới thôi”. Đến đây, phóng viên hỏi một câu rất đáng lưu ý: “Tổng thống đã có nói chuyện với ông Putin về chuyện này chưa?”. Ông Trump: “Chưa... Tôi đâu phải nói với ông ta. Tôi sẽ kết thúc thỏa ước do họ vi phạm thỏa ước”. Làm thế nào mà một quyết định quan trọng như rút ra khỏi INF lại có thể được loan báo trong khung cảnh vội vã và có cảm giác không chút chuẩn bị như thế của hai cuộc phỏng vấn chớp nhoáng “giữa đường”? Thật ra, nếu không có câu hỏi đầu tiên ở sân bay Elko, e rằng tới giờ ông Trump vẫn chưa đưa ra tuyên bố về việc rút khỏi INF! Thực hư, hư thực Tất nhiên, nội vụ không thể đơn giản là ông Trump bỗng dưng nổi hứng cự tuyệt hiệp ước INF. Hai bên Nga-Mỹ đang đàm phán lại hiệp ước này, từ đề nghị của ông Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh Helsinki hôm 16-7 vừa rồi. Tờ The Guardan của Anh 17-7 ghi chép kết quả thượng đỉnh liên quan đến vấn đề này: “Ông Putin cho biết cả hai đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán về việc gia hạn Hiệp định START Mới (Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược) sẽ hết hạn vào năm 2021, nhưng ông nói ông muốn các chuyên gia kiểm tra xem liệu Hoa Kỳ có tuân thủ các điều khoản của hiệp ước hay không. Ông nói ông muốn đàm phán về Hiệp ước hạt nhân tầm trung năm 1987, cấm tất cả các tên lửa tầm trung của Mỹ và Nga ở tầm từ 500-5.000km”. Hiệp ước START Mới được ký năm 2010. Từ cuộc gặp Helsinki tháng 7 tới nay, hai bên đã có đàm phán. Như ở Geneva hôm 23-8 giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Bolton và Bí thư hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev. Sau cuộc họp, ông Bolton cho biết chính quyền Trump vẫn chưa quyết định cách xúc tiến các vấn đề then chốt, bao gồm cả việc gia hạn START Mới, và rằng còn quá sớm để hai bên cùng hợp tác xem xét triển khai hay thay thế START Mới, theo tin tức từ Hiệp hội kiểm soát vũ khí (Arms Control Association, tức ASA), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington. ASA nhận xét: “Việc thiếu tiến bộ trong chương trình kiểm soát vũ khí, cùng thái độ tự mâu thuẫn rõ ràng của chính quyền Trump, đặt ra những câu hỏi về mức độ quan tâm của chính quyền Trump cho cuộc đàm phán với Nga để giảm rủi ro hạt nhân, và liệu hai bên có ngăn chặn được sự sụp đổ của chế độ kiểm soát vũ khí song phương đang rất bấp bênh hay không”. Quả là tình hình thực thi các hiệp ước này đã và đang trục trặc. Theo ASA, từ năm 2014, Hoa Kỳ đã cáo buộc Nga thử nghiệm và triển khai tên lửa hành trình trên mặt đất, qua đó vi phạm INF, và đang xem xét những gì Bộ Ngoại giao gọi là các biện pháp phòng thủ trong trường hợp hành động của Nga “dẫn đến sự sụp đổ của hiệp ước ”. Matxcơva phủ nhận điều đó và cáo buộc ngược lại rằng Washington mới là phía vi phạm. Trên thực tế, theo ASA, cả hai nước đang đầu tư những khoản ngân quỹ lớn để thay thế và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân hiện tại của họ. Trong một phát biểu ở Hội đồng Liên bang Nga hôm 1-3-2018, ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Nga, ông Putin đã khoe rằng chính quyền đang phát triển một số hệ thống vũ khí hạt nhân mới, bao gồm các loại tàu lượn siêu tốc trang bị vũ khí hạt nhân, tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể bay vòng quanh thế giới và ngư lôi năng lượng hạt nhân tầm rất xa để sử dụng chống lại các thành phố cảng của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ vẫn chưa hề được cải thiện sau khi xấu đi nghiêm trọng một thời gian dài vừa qua, cả hai bên đều đang muốn làm chủ những tên lửa tầm trung mới. Phía Nga liên tiếp thử nghiệm tên lửa tầm trung từ biển Đen nhắm tới Syria, còn Mỹ thì qua vụ tên lửa hành trình Tomahawk bị “bắt sống” ở Syria hồi tháng 4-2018 cũng làm dấy lên kêu gọi và nhu cầu thay thế các tên lửa đã cũ kỹ này. Cũng đáng lưu ý, trong khi đây chỉ là một hiệp ước song phương Nga-Mỹ, trong phát ngôn của mình, ông Trump lại nhắc đến “bao gồm cả Trung Quốc” khi đe dọa rút khỏi INF. Trong khi Tổng thống Mỹ nổi tiếng là phát ngôn tùy tiện, lần này có thể tin rằng ông Trump không bừa phứa. National Interest ngày 22-10 giải thích trong một bài viết với tựa đề: “Tại sao việc Mỹ rút khỏi INF là ác mộng với Trung Quốc?”. Trong bối cảnh đối thủ chiến lược của Mỹ ở quy mô toàn cầu không chỉ có Nga, xuất hiện một thực tế là Trung Quốc chưa bao giờ bị ràng buộc bởi bất cứ một thỏa thước nào tương tự như INF, vốn cấm việc phát triển hoặc triển khai cả tên lửa đạn đạo và hành trình trên mặt đất mang vũ khí hạt nhân hay quy ước có phạm vi 500-5.000km. National Interest giải thích: “Điều này cho phép Trung Quốc xây dựng một kho vũ khí rộng lớn chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD), với các thiết bị ví dụ như tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay DF-21 có tầm bắn 1.500km”. Hiện theo INF, Mỹ bị cấm sản xuất tất cả những vũ khí đó nên rút lui khỏi hiệp ước sẽ là sự “cởi trói” để họ cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ bên kia Thái Bình Dương. ■ Trên thực địa, chiến dịch tại Syria đã chứng minh năng lực tăng mạnh của lực lượng vũ trang Nga. Hơn 300 thiết bị mới được đưa vào hoạt động. Lực lượng tên lửa chiến lược nhận được 80 tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, 102 tên lửa đạn đạo phóng từ dưới biển và ba tàu ngầm hạt nhân lớp Borei có trang bị tên lửa đạn đạo. 12 trung đoàn tên lửa đã nhận được tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars mới. Số lượng tên lửa hành trình có điều khiển tăng hơn 30 lần. Quân đội, lực lượng không gian vũ trụ và hải quân cũng phát triển mạnh mẽ hơn. (Trích diễn văn ngày 1-3-2018 của ông Putin trước Hội đồng Liên bang Nga) Tags: Donald TrumpINFNga MỹHiệp ước tên lửaHiệp ước hạt nhân
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.