Giá dầu thế giới tăng nhờ các nhà sản xuất Mỹ giảm sản lượng - Ảnh: AFP
Theo CNBC, hôm 11-3, giá hợp đồng giao dịch dầu Brent trong tương lai đã tăng 3,9% lên 38,66 USD/thùng, trong khi dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 3,3% đạt 35,48 USD/thùng.
Mỹ nhập cuộc
Mức tăng trên vẫn không đáng kể so với cú hụt sâu trước đó khi trong ngày 9-3, giá dầu Brent chốt phiên với 34,36 USD/thùng, giảm 50% so với đỉnh đã thiết lập ngày 6-1.
Dù vậy theo chuyên gia phân tích của Rakuten Securities, ông Satoru Yoshida: "Tinh thần thị trường đang khởi sắc nhờ kỳ vọng về việc các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ cắt giảm sản lượng".
Hãng Occidental Petroleum (Mỹ) hôm 9-3 đã gia nhập danh sách các nhà sản xuất dầu mỏ Bắc Mỹ cắt giảm đầu tư và khai thác dầu sau khi giá dầu thô toàn cầu rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua.
Thị trường dầu mỏ và chứng khoán cũng nhờ vậy có dấu hiệu khả quan trong ngày 9-3 sau khi lao dốc trước đó 1 ngày.
Tuy nhiên, vẫn không ít ý kiến tỏ ra dè chừng trước sự lạc quan trên. Ngân hàng ANZ cảnh báo: "Việc dầu thô phục hồi không được cho rằng sẽ kéo dài khi Saudi Arabia và Nga vẫn phô trương về việc họ có thể nâng sản lượng như thế nào nhằm tranh giành thị phần".
Cũng trong ngày 9-3, Saudi Arabia tuyên bố sẽ nâng sản lượng dầu lên mức kỷ lục trong tháng 4. Đáp lại, Bộ trưởng dầu mỏ Nga Alexander Novak cùng ngày cho biết ông sẽ không loại bỏ khả năng có những biện pháp chung cùng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để ổn định thị trường.
Ông Novak nói thêm rằng cuộc họp OPEC+ được dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 5 hoặc 6. Thế nhưng, bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia sau đó nói với Reuters rằng ông thấy cuộc họp này không cần thiết nếu vẫn chưa có thỏa thuận về đối sách giải quyết tác động của COVID-19 đến nhu cầu và giá dầu.
"Nếu giá dầu giảm buộc các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ cắt giảm sản lượng trong tháng 6, có thể OPEC+ sẽ quay lại thỏa thuận cắt giảm đầu ra" - ông Yoshida nhận định.
Nga, Saudi Arabia: ai thiệt hơn?
Foreign Policy nhận định rằng trong những năm gần đây, OPEC đã phải đối mặt với thách thức từ sự xuất hiện của dầu đá phiến, cũng như thị phần sụt giảm trên toàn thế giới.
Kết hợp với một loạt lệnh trừng phạt và bất ổn chính trị, chỉ trừ Saudi Arabia, UAE và Kuwait, đa số các thành viên OPEC đều không bằng lòng hoặc thậm chí không thể cắt giảm sản lượng thêm nữa. Điển hình, Qatar đã rời nhóm khoảng 1 năm về trước.
Vì những lý do đó, Saudi Arabia luôn xem trọng sự tham gia của các nước ngoại khối, đặc biệt là Nga, cho sự thành công của OPEC. Tuy nhiên, việc Riyadh muốn nắm quyền "nhạc trưởng" trong việc điều phối các động thái cắt giảm sản lượng của các nước thành viên OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác trên thế giới đã khiến Matxcơva không hài lòng.
Cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối cắt giảm dầu theo "sự chỉ huy" của Saudi Arabia. Hệ quả là Riyadh quyết định tăng sản lượng dầu, qua đó đánh tụt giá "vàng đen" xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Matxcơva sẽ chịu thiệt hại lớn hơn Riyadh trong cuộc chiến giá dầu lần này. Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) của Mỹ, khác với Saudi Arabia hay những quốc gia xuất khẩu dầu lớn khác, Nga chỉ xuất khẩu tới một vài thị trường nhất định. Đa số các đơn hàng của nước này đều đến từ châu Âu và một phần nhỏ khác là thông qua đường ống dẫn tới Trung Quốc.
Điều này không chỉ có nghĩa dịch COVID-19 đang đánh thẳng vào các thị trường xuất khẩu chính của Nga, mà còn cho thấy Nga đang nằm ở thế yếu trong cuộc tranh giành thị trường châu Âu, trong đó các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cùng tham gia.
Khác với Nga, Saudi Arabia có mạng lưới khách hàng rộng lớn trên toàn cầu đi kèm với nhiều thỏa thuận dự trữ dầu hữu dụng, giúp nâng cao tính linh hoạt của họ. Vì thế, việc cắt giảm sản lượng sẽ đem lại phần thiệt cho Nga hơn là Saudi Arabia, CFR cho biết.
Indonesia "ngư ông đắc lợi"
Theo Jakarta Post ngày 11-3, Bộ trưởng tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết nước này có thể hưởng lợi trong hoạt động nhập khẩu nhờ giá dầu giảm, trong bối cảnh nền kinh tế đang yếu đi vì bệnh dịch. Bà Sri Mulyani nói hãng dầu quốc doanh Pertamina sẽ nhẹ gánh nhờ diễn biến hiện nay, đồng thời giá năng lượng cũng sẽ ở mức thấp.
"Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới nỗi bất an lớn hơn trên thị trường vốn" - bà lưu ý.
Trong khi đó quyền tổng giám đốc dầu khí thuộc Bộ trưởng năng lượng và khoáng sản Indonesia Ego Syahrial nói quốc gia này muốn đạt được nhiều lợi ích nhất có thể từ giá dầu thô giảm bằng cách đáp ứng nhu cầu nội địa mà không cần tăng thêm thâm hụt thương mại. Ông Ego cho biết Jakarta kỳ vọng Pertamina "mua nhiều dầu nhất có thể".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận